Tuy nhiên, nền kinh tế khó khăn, kênh bất động sản (BĐS) trầm lắng, sức mua giảm và giá trị tài sản giảm… đang ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ, và không ít phiên đấu giá bán tài sản bị ế.
Những khoản nợ “khủng”
Mới đây, một NH lớn thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Lắp máy Miền Nam, do ông Lê Bá Huy làm giám đốc. Giá trị ghi sổ khoản nợ tại thời điểm ngày 29-6-2023 hơn 355 tỷ đồng; trong đó dư nợ gốc hơn 133 tỷ đồng và hơn 3,7 triệu USD, nợ lãi hơn 75 tỷ đồng và 2,4 triệu USD.
Tài sản thế chấp bao gồm BĐS là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp… Giá khởi điểm bán đấu giá khoản nợ hơn 246 tỷ đồng. Công ty này kinh doanh chính là lắp máy nông ngư cơ các loại; nhà hàng ăn uống, cà phê giải khát, quán bar, karaoke; gia công, bán buôn máy nổ, máy xúc; sản xuất, lắp ráp máy phát điện…
Đại gia bị NH siết nợ là chuyện đã có từ lâu. Như năm 2018, các nhà băng đã thu hồi kê biên hàng chục ha đất, hàng trăm căn nhà của các đại gia một thời như Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn vì nợ xấu. Cũng năm đó, thông tin BIDV Phú Tài rao bán khoản nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn, một DN của bà Võ Thị Thanh, người từng được gọi là “bông hồng vàng” Phú Yên. Món nợ đó gần 2.300 tỷ đồng (hơn 1.200 tỷ đồng nợ gốc và hơn 1.000 tỷ đồng nợ lãi) với TSĐB gồm 3 khu đất tổng diện tích 22ha tại TPHCM và 5,2 triệu cổ phiếu.
Tuy vậy, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, việc NH siết nợ đại gia đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Tháng 12-2023, BIDV chi nhánh Bình Chánh thông báo thu giữ tài sản đặc biệt (TSĐB) bên thế chấp là bà Lê Thị Chỉnh và bà Vũ Thị Hồng đảm bảo khoản vay tại CTCP Điện máy TPHCM (Todimax). Todimax tiền thân là Tổng Công ty Điện máy thành lập năm 1958, sau đó cổ phần hóa và đến tháng 10-2022, Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái hết 84,31% vốn điều lệ tại đây.
Nợ xấu của đại gia không hề dễ bán, nhiều khoản nợ đã được rao bán, đấu giá nhiều lần nhưng không thành công, đang khiến NH đau đầu.
Hồi tháng 11-2023, BIDV chi nhánh Nam Định thông báo bán đấu giá tài sản là 19 thửa đất của bà Vũ Thị Thu Thảo, nữ đại gia Ninh Bình, với tổng giá trị hơn 211 tỷ đồng. Bà Thảo từng có thời gian dài đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Trung Linh Phát, một DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, bán buôn, bán lẻ xăng dầu và một số lĩnh vực khác.
Trước đó, 2 NH lớn cũng đã liên tục rao bán các khoản nợ khủng của CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel), chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông Lã Quang Bình, một trong những đại gia có tiếng trong lĩnh vực BĐS là Chủ tịch HĐQT của công ty này và 3 công ty khác.
Một trường hợp khác là NH rao bán đấu giá tài sản thu hồi khoản nợ 1.494 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà của đại gia buôn gạo một thời Võ Thị Thu Hà.
Mới đây, Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN), chủ đầu tư dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam Phong Điện 1 - Bình Thuận, cũng bị NH siết nợ. DN này do ông Phạm Văn Minh làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc. Ngoài ra, các NH cũng rao bán TSĐB khoản vay của “đại gia vàng” là CTCP Kinh doanh đá quý và trang sức Đức Tiến, rao bán loạt nhà phố cổ Hội An của đại gia Nguyễn Lam Huy, rao bán khoản nợ của Tân Hoàng Minh, hàng loạt siêu xe giá trị hàng chục tỷ đồng của nhiều đại gia khác…
NH cũng “đau đầu” thu hồi
Thời gian qua, rất nhiều khoản nợ của đại gia được rao bán, đấu giá nhiều lần nhưng không thành công. Chẳng hạn, khoản nợ của đại gia Lê Bá Huy được rao bán lần 1 nhưng bị ế do không có người tham gia. Hay để thu hồi khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn, NH đã liên tục rao bán nhiều lần và đến năm 2020 NH đã chấp nhận lỗ 2.000 tỷ đồng khi bán với giá 800 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, TSĐB ở các NHTM rao bán chủ yếu 2 dạng là động sản và BĐS. TSBĐ là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu như máy móc, dây chuyền sản xuất, trang thiết bị, ô tô…, chỉ cần căn cứ vào những thỏa thuận trong hợp đồng, NH được phép bán đấu giá, thu hồi vốn cho vay.
Trước đây, các loại động sản này rao bán đấu giá thường được quan tâm ngay lần đầu, nay mức độ quan tâm giảm sút do kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm những thiết bị này. Còn với loại tài sản là siêu xe thường kén người mua vì không có chính sách bảo hành, chất lượng giảm sút do bị thu giữ thời gian dài…
Trong khi đó, các TSĐB là BĐS như nhà, đất, tài sản trên đất, quyền sử dụng đất... đòi hỏi phải đăng ký và liên quan đến nhiều quy phạm pháp luật. Do vậy, các nhà băng không chỉ vất vả ở khâu thực hiện quyền đòi tài sản, mà sau khi thu hồi tài sản cũng trầy trật ở khâu bán tài sản đó.
Khối lượng TSĐB của các NH đã thu hồi được rao bán ngày càng tăng, nhiều tài sản có giá trị khủng trong khi nhu cầu của thị trường không lớn. Mặt khác, mặt bằng giá BĐS giảm cũng khiến các TSĐB này bị hạ giá sau những lần định giá lại. Đặc biệt, các khoản nợ xấu dính đến các đại gia có đặc điểm là BĐS riêng lẻ, chỉ thu hút người mua sử dụng trực tiếp. Song giá trị các tài sản này quá lớn, và người mua sợ tài sản có lý lịch xấu nên không mặn mà.
Thực tế, trong quan hệ tín dụng, nhiều đại gia có thành tựu hào nhoáng dễ dàng được liệt vào danh sách khách VIP, được các NH ưu tiên cho vay. Song chuyện khách VIP mang lại “quả đắng” cho NH ngày càng gia tăng, có ý kiến cho rằng phải chăng đây là lý do khiến các nhà băng đồng loạt “quay xe”, từ bán buôn rẽ hướng bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân và DN quy mô nhỏ trong mấy năm gần đây.
Vì chiến lược bán buôn tuy quy mô giao dịch và tỷ suất lợi nhuận lớn, nhưng nhà băng sẽ gặp rủi ro khi thị trường có vấn đề. Dù vậy trong quá trình chuyển hướng sang bán lẻ, xử lý TSĐB của các đại gia vẫn còn đeo các NH trong thời gian dài vì khó xử lý trong ngày một ngày hai.