Nhà cổ sông Gianh đang bị lãng quên

(ĐTTCO) - Dọc sông Gianh qua thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, có hàng trăm căn nhà gỗ cổ với nhiều kiểu kiến trúc tinh xảo, nhiều căn tồn tại hơn 200-350 năm tuổi.
Nhà cổ sông Gianh đang bị lãng quên

Nhưng gần đây, do thời gian phủ màu, nhiều căn nhà cổ phần vì bị bán đi, phần bị xuống cấp, nếu không bảo tồn, sông Gianh sẽ mất đi một di sản quý hiếm.

Di sản cha ông khuất nẻo

Ông Nguyễn Văn Thái, nhiếp ảnh gia thuộc Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình dẫn chúng tôi đi một vòng xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, nơi được ví là trung tâm nhà cổ bên sông Gianh, cho biết: “Bây giờ nhà cổ đã bị bán đi rất nhiều. Huế là thị trường hay tìm mua vì nhà ở đây làm đẹp, chạm khắc cầu kỳ, phù hợp với người Huế chơi nhà cổ. Hơn nữa, Quảng Hòa là vùng đất làm mộc nổi tiếng hơn 500 năm nay nên nhà cổ được nhiều người đặt mua”.

Vừa nói, ông Thái vừa chỉ tay về cuối xóm kể: “Trước đây cụ Nguyễn Văn Cúc sở hữu căn nhà hơn 200 năm, chạm khắc tuyệt đẹp. Căn nhà này được tổ tiên cụ Cúc mua từ một vị quan tại huyện Quảng Ninh. Về sử dụng đã 200 năm nhưng bên trong vẫn chắc chắn.

Giữa nhà có 3 chữ Hán chạm khắc Lạc Thiện Đường ý nói nơi an lạc của người có thiện tâm. Cụ Cúc rất muốn giữ, nhưng tuổi già, nhiều bệnh phải nằm viện, do đó con cháu đã bán cho một người chơi nhà rường ở Huế, và hiện đã không còn tại mảnh đất này”.

Đi một vòng xã Quảng Hòa và các xã lân cận, hỏi về nhà gỗ cổ, nhiều người chỉ tay nói đã bán từ mấy năm trước. Có người kêu đi xem một số nhà còn lại. Nhưng theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thái, người dân nơi đây bán để làm nhà mới tiện dụng hơn. Bên cạnh đó, vùng đất nơi đây hay hứng chịu nhiều trận mưa lũ nên người dân muốn xây nhà ở cao tầng để đỡ lo hơn khi mưa bão về.

Người am hiểu về các ngôi nhà rường vùng Quảng Hòa là thầy giáo Đinh Xuân Thắng ở xóm Vĩnh Phú, bởi từng một thời ông rất giỏi nghề mộc, người dân nơi đây thường gọi là ông cả Thắng. Trước đây ông cả Thắng có một căn nhà cổ hơn 350 năm, khi ở mùa đông ấm áp, mùa hè lại mát lạnh, có lịch sử cha ông để lại. Nhưng nay ông cả Thắng phải đập đi xây nhà mới, vì con cháu đông, không thể ở lại trong căn nhà xưa nữa. Vậy là nhà gỗ cổ ngày càng biến mất giữa nhân gian vô tình.

Những căn nhà xưa sót lại

Sâu giữa xã Quảng Hòa, ông Thái dẫn chúng tôi vào nhà của mẹ liệt sĩ Lê Thị Hòa (90 tuổi). Đây là căn nhà gỗ không cầu kỳ, nhưng tuổi đời cũng đã ngót nghét 100 năm. Cô con dâu Phạm Thị Lài cho biết căn nhà gỗ này rất chắc chắn, mẹ Hòa đã ở cả đời, hiện mới chỉ thay mái ngói, còn lại vì kèo, đòn tay vẫn còn nguyên không bị hỏng hóc.

Theo ông Thái đây là ngôi nhà đậm chất Quảng Hòa xưa, ngoài là căn nhà sinh sống của nhiều thế hệ, đây là căn có vườn rộng, các cụ xưa từng làm nghề bánh xèo truyền thống bằng bột gạo lức bán cho khách đến ăn, dần dần mở rộng vườn ra như vậy. Đó là nét xưa hiếm có còn sót lại giữa ồn ào đô thị hóa nông thôn.

Hiếm hơn nữa là cạnh nhà của mẹ Hòa có một nhà thờ khác 3 gian. Đây cũng là ngôi nhà gỗ cổ chạm khắc cầu kỳ, hơn 150 năm. Ông Thái xuýt xoa với căn nhà đẹp: “Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu tiền khách hậu chủ, có 3 gian, 2 chái, dài 30 thước, rộng 18 thước. Nhà làm bằng những loại gỗ quý có giá trị như: cột làm bằng gỗ gõ; kèo, rường, xà bằng gỗ nao và đòn tay được làm bằng gỗ lim.

Những bộ phận khác cũng được làm bằng gỗ tốt vẫn giữ nguyên nét cổ kính xưa. Bộ khung của ngôi nhà hoàn toàn không bị hỏng, tuy nhiên tường bao xung quanh đã hơn 150 năm tuổi nên có những chỗ bong tróc, tuy nhiên nhiều người đến tham quan ngôi nhà vẫn thú vị vì hình dáng rêu phong ủ lên trầm tích thời gian”.

Cuối xã Quảng Hòa, còn một căn nhà gỗ 5 gian đã được nhiều người đến hỏi mua nhưng chủ nhà không bán, dù đã xuống cấp. Tuổi thọ căn nhà đã gần 200 năm. Ông Phạm Đình Tùng (60 tuổi), người thờ phụng căn nhà này cho biết: “Con cháu bây giờ đa phần làm ăn xa, tôi ở lại quê nhà. Tổ tiên để lại gác nhà xưa xuống cấp mà đau lòng. Con đông, cháu đông nên góp lại tu sửa nhà cửa, bảo tồn di sản tổ tiên. Khi sửa mái bằng ngói liệt ngày xưa không tìm ra, nên tôi phải lợp lại bằng mái tôn, bên trong chạm khắc vẫn còn đầy đủ”.

Theo ông Tùng, cụ tổ dựng lên căn nhà này có 10 người con, gốc làm thợ mộc rồi con cháu đi làm nhiều nơi, lớp sau về nhận tổ tiên họ hàng với lớp trước, cùng công đức tu sửa lại làm “bảo tàng” ký ức cho các thế hệ họ Phạm Đình về tham quan.

Đến thăm căn nhà hơn 350 năm tuổi của cụ Nguyễn Phương được biết cụ tổ căn nhà này vốn là một quan tri huyện miền trong, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quan trường, được hồi gia, xuất tiền vào Lệ Thủy mua nhà của một địa chủ cự phách, chở bằng thuyền buồm, đi đường biển, vào cửa Gianh, giong buồm lên Quảng Hòa cất nóc, từ đó đến nay chưa sửa chữa một cái đòn tay nào.

Chia sẻ về bí quyết của căn nhà rường chắc chắn, cụ Nguyễn Phương cho biết, căn nhà được tẩm chất chống mối mọt bằng thủ công từ ngày xưa, một loại chất đã thất truyền cũng ngót nghét trăm năm. Nhà cụ Phương 3 gian, những cột những kèo, những đòn tay, rui mè vẫn còn bóng dáng thuở xưa, chạm tay vào thớ gỗ nào cũng mát mịn. Các chạm khắc tinh xảo, từ đầu rồng, công phượng đến trúc, sen hoa huệ đều được chăm chút mài giũa tỉ mỉ.

Trước việc nhà gỗ cổ bị xuống cấp, mai một dần một cách đau lòng, ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: “Chúng tôi sẽ cho rà soát lại toàn bộ các xã vùng Nam Ba Đồn về nhà gỗ cổ, thống kê đánh giá chi tiết để có kế hoạch phục dựng, bảo tồn nhằm giữ gìn lại nếp xưa của cha ông.

Kế hoạch là bảo tồn đi liền với cuộc sống kinh tế xã hội của nhân dân, lồng ghép phát triển du lịch, tạo sản phẩm mới khám phá sông Gianh cùng quà quê là bánh đúc, bánh xèo Quảng Hòa để du khách thưởng thức nhằm làm sống lại nếp nhà xưa cho mọi người trải nghiệm”.

Các tin khác