Thành phố cổ Pompeii - La Mã: Phóng túng, sa đọa và hủy diệt

Thành phố cổ Pompeii - La Mã: Phóng túng, sa đọa và hủy diệt

Pompeii là một tàn tích của thành bang La Mã bị chôn vùi gần Napoli (Italia) trong một vụ phun trào của núi lửa Vesuvius năm 79 sau Công nguyên (CN). Chỉ trong 24 giờ, thành phố nhộn nhịp và trù phú này bị chôn vùi trong khói lửa và trở thành tàn tro bởi một trong những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất mọi thời đại.

Cổ thành thăng trầm

Pompeii nằm trong vùng Campania, một khu vực bờ biển xinh đẹp về phía Tây Nam Italia, gần thành phố Naples và núi lửa Vesuvius. Sự hình thành và phát triển của Pompeii trải qua giai đoạn lịch sử tương đối dài và nhiều biến động thăng trầm, bởi đây là mục tiêu tranh giành của các đế chế cổ đại. Lịch sử của Pompeii có thể kéo dài tới 3.000 năm, khi người Hy Lạp bắt đầu lập thuộc địa ở vùng Campania từ thế kỷ thứ 8 trước CN. Từ lúc đó, họ đã xem Pompeii là một khu cảng biển quan trọng. Vùng Campania bao gồm Pompeii, trải qua nhiều cuộc chiến tranh tranh giành giữa người Hy Lạp với người Etruscans.

Ở thế kỷ thứ 5 trước CN, người Samnites đã chinh phục nó (và toàn bộ các thị trấn khác của Campania); những người cai trị mới áp đặt phong cách kiến trúc của mình và mở rộng thị trấn. Sau các cuộc chiến tranh Samnite (thế kỷ thứ 4 trước CN), Pompeii bị buộc phải chấp nhận vị thế socium của La Mã, tuy nhiên vẫn giữ được chủ quyền về ngôn ngữ và hành chính. Ở thế kỷ thứ 4 trước CN, nó được pháo đài hóa. Và Pompeii vẫn trung thành với La Mã trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai.

Pompeii tham gia vào cuộc chiến mà các thị trấn của Campania gây ra chống lại La Mã, nhưng vào năm 89 trước CN nó bị Sulla phong tỏa. Rồi lại trở thành một thuộc địa của La Mã với cái tên Colonia Cornelia Veneria Pompeianorum. Thị trấn trở thành con đường quá cảnh quan trọng cho hàng hóa tới bằng đường biển, và phải được gửi về Rome hay miền Nam Italia dọc theo Con đường Appian gần đó. Trái cây nông sản, dầu oliu và rượu là lợi thế để buôn bán và xuất khẩu.

Cho đến thế kỷ 7 trước CN, người Oscan mới bắt đầu thành lập thành phố Pompeii một cách chính thức. Nhờ nằm dưới chân núi lửa nên nơi đây cũng như vùng lân cận hội tụ hai yếu tố thế mạnh: khí hậu thuận lợi và đất đai phì nhiêu. Nhờ những điều kiện này mà Pompeii có thể phát triển mạnh các hoạt động nông nghiệp, đặc biệt trong việc trồng nho và oliu.

Chuyển giao quyền lực

Vào thế kỷ thứ 5 trước CN, người Samnite cũng bắt đầu xâm chiếm dần Pompeii cùng những khu vực khác của Campania, trở thành những người cai trị thành phố. Tuy nhiên, đế chế của người Samnite ở đây cũng không tồn tại quá lâu. Trải qua cuộc chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ với người La Mã, người Samnite sau cùng cũng phải nhường lại quyền cai trị Pompeii. Từ thế kỷ 4 trước CN, Pompeii chính thức chịu ảnh hưởng của đế chế La Mã. Nhưng đa phần cư dân Pompeii có nguồn gốc là người Samnite nên họ vẫn giữ thái độ không thuần phục La Mã chuyên chế, mà vẫn sử dụng ngôn ngữ riêng và tư tưởng theo người Samnite, dẫn đến việc các cuộc nổi dậy chống La Mã, khiến quân đội từ Rome kéo đến Pompeii trấn áp khốc liệt vào năm 80 trước CN. Nói cách khác, Pompeii chính thức thuộc sở hữu của La Mã từ đây.

Sau khi trở thành một thành bang thuộc La Mã, Pompeii đã xoay chuyển ngoạn mục trở nên hưng thịnh phồn vinh. Ngôn ngữ Latinh bắt đầu thay thế tiếng của người Oscan. Thể chế, kiến trúc và văn hóa cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ. Pompeii được bảo vệ kiên cố trong một tường thành, đường sá rộng rãi được lát đá khang trang và nhà cửa phát triển, bao gồm nhiều dinh thự san sát nhau đều có 2 tầng. Người La Mã còn thiết lập hệ thống giao thông đường một chiều. Thành phố có nhiều tiện ích như bể phun nước, đền thờ, quán rượu, trường học, đấu trường, nhà hát…

Một trong những nhân vật quan trọng của đế chế La Mã là hoàng đế Nero, cũng được cho là sở hữu một căn biệt thự nguy nga ngay tại Pompeii, khiến cho nơi này trở thành nơi có giá trị bất động sản cao nhờ vị trí gần biển. Pompeii không chỉ là chốn xa hoa, nó còn là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa của La Mã cổ đại. Năm 75 trước CN, đấu trường với kiến trúc vòng đặc trưng được xây dựng, có sức chứa lên đến 5.000 người. Khảo cổ cho thấy trước đợt phun trào núi lửa thì cảng biển nằm sát thành Pompeii, khi thềm bờ biển chưa dịch chuyển lên cao bởi động đất. Tuy nhiên, không gì là tồn tại vĩnh viễn cho đến khi tai họa ập đến.

Nhà hát Pompeii.

Nhà hát Pompeii.

Núi lửa Vesuvius

Núi Vesuvius là một núi lửa tầng nằm ở vịnh Naples, thuộc Italia, cách Naples 9km về phía Đông và gần bờ biển. Đây là núi lửa duy nhất ở châu Âu nằm trên đất liền, đã từng phun trong vòng hàng trăm năm qua, mặc dù hiện nay không còn ghi nhận thêm những đợt phun trào mới. Hai ngọn núi lửa lớn khác ở Italia là núi Etna và Stromboli, nằm trên đảo. Núi Vesuvius có một truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Người La Mã xem ngọn núi Vesuvius được dâng hiến cho Hercules.

Núi Vesuvius nổi tiếng với lần phun trào vào năm 79 sau CN, đã vùi lấp, phá hủy các thành phố La Mã cổ đại là Pompeii, Herculaneum. Vesuvius đã phun trào một vài lần sau đó. Ngày nay nó được xem là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất trên thế giới, vì vẫn còn khoảng 3 triệu người sống gần đây, cũng như đang có xu hướng dẫn tới đợt phun trào mạnh mẽ. Nơi đây cũng là khu vực núi lửa có đông người dân sinh sống nhất trên thế giới. Lần phun trào cuối cùng diễn ra vào năm 1944.

Cơn thịnh nộ Vesuvius

Pompeii phồn thịnh một phần cũng nhờ ngọn núi lửa này, lớp đất tại vùng vịnh Naples do núi lửa Vesuvius bồi đắp rất giàu các dưỡng chất Nitơ, Phốtpho, Kali tốt cho cây trồng nên rất phát triển về nông nghiệp. Tuy nhiên, chính thứ ban bố những nguồn lợi tự nhiên cũng là thứ phá hủy vùng đất này. Vào ngày 24-8 năm 79 sau CN, ngọn núi khổng lồ bắt đầu một đợt phun trào bất ngờ. Và Pompeii cũng bắt đầu trôi vào dĩ vãng từ đây.

Titus Maximus trị quốc trong một giai đoạn ngắn ngủi: từ năm 79 cho đến khi qua đời vào năm 81. Ông phải đối mặt với một số thảm họa lớn trong thời gian trị vì ngắn ngủi của mình. Ngày 24-8 năm 79 sau CN, hai tháng sau khi ông lên kế vị, ngọn núi lửa Vesuvius đã phun trào. Các thành phố Pompeii và Herculaneum đã bị chôn vùi dưới hàng mét đá và nham thạch, giết chết hàng ngàn công dân. Titus đã bổ nhiệm hai cựu chấp chính quan phụ trách việc tổ chức và phối hợp các nỗ lực cứu trợ, trong khi cá nhân ông đóng góp một lượng lớn tiền từ ngân khố đế quốc để hỗ trợ cho các nạn nhân của núi lửa. Ngoài ra, ông đã đến thăm Pompeii một lần sau khi núi lửa phun trào và một lần nữa một năm sau đó.

Vụ phun trào chỉ sau một ngày lễ cúng vị thần lửa Vulcanalia, đợt phun trào diễn ra tới 2 ngày liên tục, mọi thứ bắt đầu bằng một tiếng nổ động trời. Ngọn núi lửa đã đẩy những mảng lớn khói bụi, đất đá và cả khí gas nóng vào bầu khí quyển. Đám mây được đẩy ra từ miệng núi lửa vươn cao trên bầu trời, lên đến tận 43km. Khí gas độc có nhiệt độ cao bắt đầu tiến đến tường thành và mau chóng lan tỏa khắp nơi. Theo ước tính, núi lửa Vesuvius đã phun ra đến 1,5 triệu tấn dung nham mỗi giây. Dòng nham thạch chảy từ sườn núi đạt tốc độ đến 724km/giờ và có nhiệt độ lên đến 999oC. Cơn thịnh nộ còn kéo theo những trận động đất dữ dội, trời đất rung chuyển như ngày tận thế. Người ta ước tính khoảng 2.000 người chết trong thảm họa núi lửa, tức chỉ khoảng 13% dân số. Nhưng đó cũng là con số ước tính, còn thực chất thì Pompeii có đến 20.000 dân và trận phun trào núi lửa ấy khó mà sống sót.

Khai quật phế thành

Trận phun trào của núi lửa Vesuvius năm 79 sau CN khi tro bụi và dung nham nhấn chìm thành phố, song cũng giúp cho nó tránh được sự phá hủy từ các yếu tố thiên nhiên. Mãi đến tận năm 1748, tức chính xác là 1669 năm sau thảm họa, Pompeii mới bắt đầu được khai quật trở lại. Di tích Pompeii ngày nay có diện tích từ khoảng 60 hecta và được xem là một trong những khu khảo cổ lớn nhất thế giới, có giá trị vô cùng to lớn với nhân loại để nghiên cứu về cuộc sống cổ đại.

Những gì mà các nhà khảo cổ thu được sau khi khai quật Pompeii gồm có nhà cửa, đền thờ, những con đường được lát gạch đá, thi thể những nạn nhân. Ngoài ra, họ còn tìm thấy nhiều căn biệt thự lộng lẫy có cả tranh vẽ, đài phun nước, gia dụng… cũng được khai quật tại Pompeii. Một trong những biểu tượng cho sự giàu sang tại Pompeii là căn biệt thự Vettii. Nhưng điểm thu hút khách du lịch tới tham quan nhất hiện nay lại là kỹ viện, với nhiều bức bích họa nhạy cảm mô tả lại các tư thế của các “Shewolf” (sói cái), vì là một cảng biển tấp nập nên nhiều thủy thủ tới Pompeii để mua vui. Pompeii có 20.000 nhân khẩu mà có tới 25 tòa kỹ viện, cho thấy toàn Pompeii chỉ biết ăn chơi, phóng túng và dục vọng.

Trong khi đó họ lại ngược đãi nô lệ thảm hại vô nhân tính, và đây cũng là một tội ác lớn của Pompeii. Sự giàu có của Pompeii, một bộ phận quan trọng nhất khi mậu dịch với bên ngoài không phải hàng hóa, mà là nô lệ. Những người nô lệ tham gia vào lao động nặng nhọc, ở “đấu trường” bị dã thú cắn xé, người ta vẫn cứ hưng phấn hò hét.

“Hãy tận tình hưởng thụ cuộc sống đi, ngày mai khó mà đoán trước”. Câu này được khắc vào cốc uống nước bằng bạc, nghĩa là người dân Pompeii thời đó chỉ nhìn trước mắt, phóng túng không tính đến hậu quả, khiến người ta không ngừng sa đọa.

Nhiều du khách đã phải thốt lên rằng: “Tội ác dẫn đến diệt vong thật sự là một lời cảnh tỉnh dành cho hậu thế”. Dù không có bất kỳ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa lối sống trụy lạc dẫn đến hậu quả diệt vong của một thành quách, nhưng nếu so sánh với thế giới hiện đại ngày nay có thể truy xét theo luật nhân quả. Nếu nhân sinh tiếp tục gây hại đến môi trường dẫn đến việc biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ địa cầu, thì những thảm họa tự nhiên là điều khó tránh khỏi.

Các tin khác