VN Index “đồng pha” với thế giới
Trong tháng 8, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu chứng kiến nhiều biến động. Tại thị trường Mỹ và châu Âu, bất chấp thông điệp nhất quán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Hội nghị Jackson Hole về mục tiêu lạm phát ở mức 2% và sẵn sàng tăng lãi suất nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát tăng tốc trở lại
Các dữ liệu mới nhất về lạm phát, việc làm, cũng như các sự kiện Fitch hạ xếp hạng trái phiếu chính phủ Mỹ và Moody's hạ xếp hạng tín dụng của các ngân hàng vừa và nhỏ, đã báo hiệu nền kinh tế khó tăng trưởng nóng trở lại.
Điều này khiến NĐT kỳ vọng lãi suất đã đạt đỉnh và dòng tiền bắt đầu phân bổ trở lại TTCK, giúp các chỉ số phục hồi nhẹ vào cuối tháng.
Ở chiều ngược lại, kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế Trung Quốc giảm sút, và cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trên thị trường bất động sản Trung Quốc, khi những tên tuổi nổi tiếng như Country Garden và China Evergrande lần lượt không thể hoàn thành nghĩa vụ nợ trái phiếu và bắt đầu thủ tục phá sản.
Những sự kiện này đã ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin của NĐT, dẫn đến việc TTCK Trung Quốc chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm.
TTCK trong nước cũng cho thấy sự “đồng pha” với sự biến động của TTCK thế giới. Diễn biến tỷ giá VNĐ/USD tăng mạnh do áp lực từ kỳ vọng tăng lãi suất trong thông điệp trên của Fed, đã tác động tiêu cực đến tâm lý NĐT trong bối cảnh thị trường tăng điểm mạnh trong 3 tháng liên tiếp.
Kết quả, thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm ngay trước thời điểm diễn ra Hội nghị Jackson Hole. Sau đó, thị trường phục hồi và lấy lại hầu hết điểm số nhờ các thông tin hỗ trợ, như NHNN ban hành Thông tư 10 ngày 23-8, tạm dừng thực thi quy định cấm vay vốn theo Thông tư 06 để thanh toán góp vốn, giúp củng cố niềm tin thị trường.
Cùng ngày, các ngân hàng quốc doanh đồng loạt hạ lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, và kỳ vọng về đỉnh lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương dường như là chắc chắn vì những lý do đã đề cập ở trên.
Khối ngoại dù đẩy mạnh giao dịch nhưng vẫn duy trì vị thế bán ròng trong tháng 8 là 2.550 tỷ đồng (tương đương 106 triệu USD). Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng 3.325 tỷ đồng (tương đương 138,3 triệu USD).
VN Index kết thúc tháng 8 ở mức 1.224 điểm, không tăng so với tháng 7. Diễn biến này đã chấm dứt mạch 4 tháng tăng điểm trước đó.
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), đây là khoảng thời gian hiệu ứng đảo chiều chính sách tiền tệ có tác động rõ rệt nhất lên TTCK. Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HoSE tăng mạnh 34% so với tháng 7 với giá trị giao dịch bình quân đạt 20.500 tỷ đồng/phiên (tăng 22% so với tháng 7), thậm chí có phiên ghi nhận giá trị khớp lệnh tăng vọt lên mức 35.000 tỷ đồng.
Chiến lược đầu tư giai đoạn dòng “tiền rẻ”
Theo giới phân tích, nhịp điều chỉnh mạnh (giảm 6,8%) vào trung tuần tháng 8 đã giúp thị trường “bớt nóng” sau chuỗi 14 tuần trong xu hướng tăng điểm (kể từ đầu tháng 5). Đây là sự điều chỉnh lành mạnh, bởi thị trường vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng.
Chính sách tài khóa mở rộng được thể hiện qua việc cắt giảm lãi suất, từ đó tạo ra dòng “tiền rẻ” và gián tiếp cơ hội giao dịch thuận lợi cho thị trường. Dòng “tiền rẻ” cũng phần nào thể hiện qua động thái giao dịch của NĐT nội.
Thống kê cho thấy, trong tháng 8, NĐT cá nhân quay trở lại mua ròng mạnh 3.378 tỷ đồng (tương đương 140,5 triệu USD). Nhờ vậy, vị thế ròng của NĐT cá nhân từ đầu năm tăng thêm lên 14.130 tỷ đồng (tương đương 587,5 triệu USD).
Việc VN Index có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng từ cuối tháng 8 đã giúp NĐT cá nhân mạnh tay hơn trong các quyết định mua vào. Tâm lý phấn khích của NĐT cá nhân càng được “kích thích”, khi nhiều CTCK “bơm” khuyến nghị NĐT có thể sử dụng tỷ lệ “đòn bẩy” để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, sự hưng phấn của NĐT cá nhân dễ dẫn đến hiện tượng Fomo. Đó là khi giá cổ phiếu (CP) tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn, dẫn đến cảm giác sợ bỏ lỡ cơ hội, khiến NĐT vội vã ra quyết định mua vào ở mức giá cao.
“Trong bối cảnh mức độ phục hồi của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước trong quý III vẫn rất chậm, việc NĐT cá nhân Fomo sẽ dễ dẫn đến các quyết định sai lầm” - một chuyên gia CK chia sẻ.
Trong tháng 8, trái với hoạt động tích cực của NĐT cá nhân, NĐT tổ chức trong nước và khối ngoại đang cho thấy sự thận trọng nhất định. Điều này được thể hiện qua động thái bán ròng mạnh và mức độ tham gia thị trường giảm (đo lường bằng tỷ lệ giao dịch của NĐT nước ngoài trên tổng giao dịch toàn thị trường).
Sự thận trọng của NĐT tổ chức có thể không ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường, đặc biệt trong môi trường lãi suất thấp và tâm lý lạc quan của NĐT cá nhân, song sẽ tạo nên những nhịp biến động mạnh của thị trường.
Đặc biệt, khi chỉ số càng lên cao (tiến đến vùng P/E 15,5-16x) mà thiếu nền tảng cơ bản hỗ trợ, mức độ điều chỉnh có thể mạnh và diễn ra bất ngờ, như đã xảy trung tuần tháng 8.
Theo VDSC, thị trường có thể biến động mạnh ở vùng P/E trượt 14,8x của VN Index (tương ứng vùng 1.240 điểm). Do vậy, NĐT ngắn hạn cần tuân thủ nghiêm chiến lược mua-bán linh hoạt.
Đó là tích lũy CP ưa thích khi giá điều chỉnh về vùng chờ mua, và giảm tỷ trọng CP trong những nhịp thị trường có dấu hiệu Fomo. Tuy nhiên, nhận định này không có nghĩa TTCK đang ở giai đoạn rủi ro.
Thực tế, TTCK đang đón nhận nhiều thông tin tích cực. Đầu tiên là cuộc họp về các giải pháp nâng hạng TTCK và tiến độ triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Kế đến là kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm sẽ hỗ trợ dòng tiền quay trở lại TTCK. Cuối cùng là mức định giá CP đang ở mức hấp dẫn. Với định giá P/E hiện tại của VN Index 14,9x và lợi suất tương ứng 6,7%, TTCK vẫn hấp dẫn hơn tương đối so với kênh tiền gửi tiết kiệm.