Tuy nhiên, nền tảng cơ bản của thị trường vốn và nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để thu hút dòng tiền quay trở lại với TTCK, đặc biệt là dòng tiền từ nhà đầu tư (NĐT) cá nhân. Tuy nhiên cho đến nay giao dịch trên TTCK vẫn vắng bóng NĐT cá nhân.
NĐT cá nhân đang “chờ thời”
Ở thời điểm hiện tại, NĐT cá nhân vẫn chiếm đa số trong tổng giao dịch thị trường, chính vì vậy, động thái của các NĐT cá nhân tác động mạnh mẽ tới diễn biến của VN Index. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm, NĐT cá nhân duy trì vị thế mua ròng với giá trị lên đến 6.700 tỷ đồng, nhưng áp lực bán ra của nhóm này trong quý II đã đẩy thị trường rơi vào tình trạng “Gấu”.
Nguyên nhân khiến cho NĐT cá nhân hoảng loạn bán ra xuất phát từ động thái làm minh bạch TTCK bằng việc truy tố hình sự hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp với tội danh thao túng giá cổ phiếu (CP) trên TTCK.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là: Dòng tiền bán ròng từ NĐT cá nhân đang ở đâu? Theo số liệu tổng hợp từ Fiinpro, tính đến cuối quý II, lượng tiền NĐT cá nhân tại các CTCK vẫn ở mức cao với trên 70.000 tỷ đồng. Con số này chỉ giảm 14% so với thời kỳ sôi động nhất của TTCK trong quý I, thậm chí vẫn còn cao gấp 3,8 lần so với mức thanh khoản trung bình 19.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện nay.
Một số liệu thống kê khác là giá trị margin trên toàn thị trường thời điểm cuối quý II chỉ ở mức 154.000 tỷ đồng, giảm 24% so với mức đỉnh ở quý I. Con số này nếu so sánh với hoạt động tăng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán (CTCK) trong thời gian gần đây, thì tỷ lệ margin chỉ đang ở mức 80% vốn chủ sở hữu, giảm rất mạnh so với tỷ lệ 128% trong quý I và thấp hơn 10% so với mức trung bình của 5 năm gần đây (2017-2022).
Những con số thống kê này dù chưa khái quát hết hiện trạng của TTCK, nhưng phần nào cho thấy, dòng tiền bán ròng của NĐT cá nhân vẫn đang nằm trong tài khoản và chờ đợi cơ hội quay lại, chứ hoàn toàn không rút ra khỏi thị trường.
Theo thống kê, tổng số lượng tài khoản tính đến cuối quý II tiếp tục ghi nhận đà tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 5 và 6. Lũy kế đến hết quý II, tổng số lượng tài khoản CK đạt gần 1,85 triệu tài khoản, tương đương đạt 6,2%.
Theo CTCK BIDV (BSC), mặc dù số lượng tài khoản CK ghi nhận mức tăng kỷ lục, nhưng thanh khoản thị trường lại không tăng tương ứng mà lại ghi nhận mức sụt giảm mạnh xuống dưới 20.000 tỷ đồng/phiên. Điều này có thể bị ảnh hưởng một phần từ yếu tố thị trường sụt giảm mạnh cũng như việc cơ hội đầu tư khó khăn hơn khiến cho dòng tiền chủ yếu nằm ở giai đoạn chờ đợi. Tuy nhiên, nếu xét về dài hạn, đây lại là yếu tố tích cực cho thấy TTCK vẫn là kênh đầu tư thu hút được sự quan tâm lớn của người dân.
Điểm đảo chiều không còn xa
Theo nhận định của Maybank Investment Bank, TTCK đã chứng kiến một đợt điều chỉnh mạnh mẽ, khi Chính phủ tăng cường kiểm soát thị trường vốn và sự cộng hưởng của bất ổn địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn mạnh mẽ, với tăng trưởng GDP 7,7% trong quý II (cao nhất trong vòng 10 năm qua) và dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn CK khoảng 20-25%.
Do vậy, sự cạn kiệt về thanh khoản sẽ sớm kết thúc khi tình hình trong nước có tiến triển tích cực hơn vào nửa cuối năm nay, đặc biệt khi khung pháp lý cho thị trường vốn như việc sửa đổi Nghị định 153 và Thông tư 39 được hoàn thành.
Một yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thanh khoản của thị trường là việc chính thức triển khai giao dịch T+2 từ ngày 29-8. Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), trong ngắn hạn, chưa có những nghiên cứu cụ thể về đánh giá tác động tức thời của việc rút ngắn (chỉ 1 ngày) thời gian giao dịch lên chỉ số.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh, tâm lý NĐT cá nhân vẫn còn nhiều e ngại như hiện tại. Song nếu nhìn vào những lần rút ngắn thời gian giao dịch trước đó sẽ thấy thanh khoản được cải thiện một khi áp dụng T+2. Chẳng hạn, tháng 9-2012, khi UBCKNN áp dụng thay đổi từ T+4 xuống T+3, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân hàng tuần trong 12 tháng tiếp theo đã tăng 12% so với khoảng thời gian trước đó.
Dòng tiền vào CP cơ bản?
Theo dữ liệu của Bloomberg và tính toán của BSC, xét về mặt định giá, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành vốn hóa lớn trong nửa cuối năm 2022 tiếp tục kỳ vọng ghi nhận mức khả quan 2 chữ số, trong bối cảnh giá CP cũng đang ở mức chiết khấu hấp dẫn với P/E chỉ ở mức 12,4x. Do đó, nhóm CP vốn hóa lớn sẽ là tâm điểm cho thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2022.
Đối với nhóm CP vừa và nhỏ, giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ là “cơn gió ngược chiều” khiến cho triển vọng lợi nhuận bớt lạc quan hơn. Nguyên nhân là do định giá của nhóm ngành vốn hóa vừa và nhỏ vẫn cao hơn nhóm ngành vốn hóa lớn. Do đó, tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.
Trong khi đó, nếu nhìn về dài hạn, 2022 có thể là năm khó khăn nhưng cũng mở ra cơ hội lớn trong năm 2023 khi định giá thị trường đã ở mức hấp dẫn. Với việc thị trường ghi nhận điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 4 trở lại đây, P/E của thị trường đang giao dịch ở mức 12,4x, thấp hơn so với mức 13x, thời điểm VN Index chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ nhất (tháng 3-2020).
Với việc triển vọng tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhóm ngành vẫn duy trì ở mức cao (dự kiến ở mức 28%), tương đương với mức tăng trưởng EPS sau pha loãng khoảng 18%, so với tỷ lệ pha loãng giai đoạn 2019-2021 là 5%. Theo BSC, đây là cơ hội cho mục tiêu đầu tư dài hạn 2023-2024 trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có thể chống chịu tốt trước sức ép tăng lãi suất của Fed, lạm phát và tiếp tục duy trì tăng trưởng.
Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản trên thị trường đã tụt về gần ngang với mức của năm 2018, cộng với việc áp dụng hình thức giao dịch T+2, cho thấy thời điểm đảo chiều không còn xa. |