Khối ngoại tăng bán ròng vì chính sách siết phong toả
Theo thống kê, trong tháng 8, NĐT nước ngoài bán ròng trở lại với giá trị đạt đến 7.800 tỷ đồng (tương đương 338 triệu USD) thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE, khi chỉ số VN Index phục hồi.
Lực bán của khối ngoại tập trung nhiều nhất vào nhóm CP như VIC (1.550 tỷ đồng, tương đương 67 triệu USD) và VHM (1.379 tỷ đồng, 60 triệu USD). Giá trị bán ròng của 2 mã này chiếm 37% tổng giá trị bán ròng toàn thị trường.
Theo quan điểm của CTCK Rồng Việt (VDSC), động thái này xuất phát từ tâm lý tiêu cực của khối ngoại, trước thông báo bán cổ phần từ các cổ đông lớn của VHM tại vùng giá cao nhất lịch sử.
Cụ thể, VIC đăng ký bán hơn 100 triệu CP (tương đương 3% cổ phần) trong khoảng thời gian 1 tháng kể từ giữa tháng 8. Tương tự, KKR cũng đăng ký bán 31,94 triệu CP VHM bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong cùng thời gian trên. Điều này khá dễ hiểu, khi VIC có ý định đầu tư thêm vào Vinfast và KKR đã đạt mức sinh lời cao so với giá mua 70.000 đồng/CP tháng 6-2020.
Theo VDSC, việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng ngoài lý do kể trên còn bắt nguồn từ tâm lý bi quan về chính sách thắt chặt giãn cách để phòng chống dịch bệnh ở các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là TPHCM.
Trước đó, trong tháng 7, NĐT nước ngoài tỏ ra khá lạc quan với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, và mua ròng mạnh CP. Vì vậy, trạng thái bán ròng này cũng được lý giải là động thái chốt lời nhờ mua vào CP vùng đáy trong tháng 7.
Ngành nghề được kỳ vọng hậu giãn cách
Lộ trình tiêm vaccine tại TPHCM được chia thành 4 giai đoạn theo thời gian, từ 29-8 đến hết năm 2021. Theo đó, gần nhất tới 15-9, TP sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 1 cho 90% người từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ sẽ đạt khoảng 43% vào ngày 30-9, và mục tiêu cuối năm 2021 sẽ là 100%.
Sau ngày 15-9, các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19 tại các khu vực có nguy cơ cao có thể được nới lỏng. Đây là lý do để NĐT hy vọng vào việc mở cửa dần các hoạt động kinh tế trong quý IV-2021, khi vaccine đóng vai trò chủ chốt để ngăn chặn bệnh nhân Covid-19 chuyển sang giai đoạn nguy kịch, và không cần tiếp cận điều trị tại bệnh viện.
Trước mắt, các tỉnh, thành có thể lựa chọn mở cửa nền kinh tế theo từng ngành và lĩnh vực. Theo đó, những công ty hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu (chế biến thực phẩm, vận tải, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử) sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng.
Do hoạt động sản xuất của các công ty FDI và công ty xuất khẩu đóng vai trò nòng cốt đối với nền kinh tế, nên các công ty này sẽ trở thành mục tiêu được quan tâm trong đợt dỡ bỏ phong tỏa đầu tiên. Tuy nhiên, các nhà sản xuất có thể không hoạt động hết công suất, do các biện pháp kiểm soát an toàn mới như công nhân phải được tiêm phòng, giãn cách xã hội trong nhà máy.
Theo VDSC, nếu việc tiêm chủng diễn ra sát với kế hoạch, thì những tác động xấu nhất đối với doanh nghiệp sẽ được phản ánh vào quý III. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2021 được điều chỉnh giảm xuống 26%, từ mức kỳ vọng 33% trước đó.
VDSC cho rằng trong giai đoạn hậu giãn cách, NĐT nên ưu tiên nắm giữ CP các lĩnh vực như logistics, hàng tiêu dùng, công nghệ và bất động sản. Ngoài ra, VDSC cũng kỳ vọng chất xúc tác từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ tích cực thúc đẩy tâm lý của NĐT vào các ngành khác, như thép, bán lẻ, trước khi lợi nhuận của những doanh nghiệp này bắt đầu tăng vào cuối năm, nhờ vào tác động tích cực từ việc dỡ bỏ phong tỏa.