NĐT phản ứng bình tĩnh
Thị trường khởi đầu tuần giao dịch trước tín hiệu cực kỳ xấu với thông tin ngân hàng (NH) lớn thứ 16 của Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) tuyên bố phá sản ngày 10-3 (theo giờ Mỹ).
Thông tin này khiến NĐT đẩy mạnh bán tháo ngay từ những phút đầu của phiên sáng ngày 13-3. Thế nhưng, NĐT đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và đẩy mạnh mua vào khi nhận thấy thị trường không có dấu hiệu hoảng loạn.
Nhờ vậy, VN Index kết phiên giao dịch đầu tuần với số điểm giảm nhẹ nhàng 0,2 điểm. Chỉ số này sau đó có thêm phiên giảm ngày 14-3, nhưng sau đó bật mạnh lên ở phiên 15-3 sau thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất điều hành từ 0,5-1%.
Đến phiên giao dịch ngày 16-4, NĐT lại đón nhận thêm tin dữ từ vụ khủng hoảng của NH Thụy Sĩ Credit Suisse. Tương tự sự kiện SVB, NĐT chỉ phản ứng tiêu cực sau thông tin Credit Suisee trong phiên giao dịch này và bật mạnh lên trong phiên giao dịch ngày 17-3, bên nắm giữ đã hạn chế bán ra.
Dù kết phiên cuối tuần, chỉ số này quay đầu giảm nhẹ, nhưng nếu nhìn vào diễn biến của tuần giao dịch vừa qua, có thể khẳng định NĐT cá nhân trong nước đã biết giữ “cái đầu lạnh” khi phải đối mặt với những vấn đề “nóng”.
Việc thị trường không điều chỉnh sâu, ngoài yếu tố nội, còn có sự đóng góp của khối ngoại, khi họ duy trì trọn tuần mua ròng. Tính đến phiên 17-3, NĐTNN mua ròng 9 phiên liên tục với giá trị đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là trong tuần vừa qua, quỹ đầu tư đến từ Đài Loan là Fubon ETF tiếp tục giải ngân thêm 5 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong đợt gọi vốn lần thứ 5.
Không tác động nhiều đến Việt Nam
Có thể thấy, động thái mua ròng của khối ngoại phần nào cho thấy TTCK Việt Nam không chịu tác động quá tiêu cực từ các sự cố bên ngoài.
Phân tích về những sự cố tài chính thế giới gần đây, các CTCK đều có chung nhận định tác động đến TTCK Việt Nam là không quá lớn. Chẳng hạn, báo cáo chuyên đề SVB được CTCK Thành Công (TCSC) phát hành ngay sau khi NH này tuyên bố phá sản, đã đánh giá vụ việc này là chưa quá đáng lo ngại.
Nguyên nhân vì quy mô của SVB khá nhỏ, chỉ xấp xỉ 200 tỷ USD năm 2022 so với quy mô 600 tỷ USD của Lehman Brothers năm 2008. Chưa kể, trong cuộc khủng hoảng năm 2008 còn có các NH cũng như công ty khác đã phá sản trước đó.
Báo cáo đánh giá tác động sự kiện SVB đối với TTCK Việt Nam của CTCK VNDirect (VNDS), cho rằng rủi ro vẫn tập trung ở một số NH nhỏ của Mỹ, khi khả năng thanh khoản và tỷ lệ dự trữ ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, nhà chức trách của Mỹ đã có những can thiệp ở mức độ nào đó nhằm trấn an người gửi tiền và giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Đối với thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, VNDS đánh giá ít có tác động đến rủi ro hệ thống.
Tương tự, theo CTCK Agribank (Agriseco), sự kiện trên chỉ tác động ngắn hạn tới tâm lý NĐT chứ chưa tác động nhiều tới yếu tố kinh tế. Hiệu ứng “donimo” có thể chỉ xảy ra tại một số NH cỡ trung và nhỏ và khó xảy ra tại các NH lớn, do bản chất của SVB nằm ở việc quản trị rủi ro thanh khoản không hiệu quả, khi ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đầu tư trung - dài hạn với tỷ lệ quá cao chứ không phải chất lượng tài sản dưới chuẩn như Lehman Brothers.
Trong khi đó, nhận định về sự cố Credit Suisse, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), cho rằng nếu NH này phá sản thì chắc chắn không tránh khỏi tác động đến Việt Nam. Bởi đây là đơn vị thu xếp vốn trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mọi chuyện dường như vẫn trong tầm kiểm soát khi NH Trung ương Thụy Sĩ tuyên bố sẽ hỗ trợ thanh khoản cho Credit Suisse trong trường hợp cần thiết, nên sẽ không dẫn đến bán tháo tài sản. Do đó, áp lực của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng nguồn vốn vay của Credit Suisse cũng không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Vẫn còn nhiều mối lo
Dù nhìn nhận về mức độ ảnh hưởng của sự kiện này không quá lớn, song chuyên gia phân tích của VNDS vẫn khuyến cáo NĐT cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng "đòn bẩy", quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới.
NĐT nên ưu tiên mục tiêu "phòng thủ” trong ngắn hạn với các nhóm CP giá trị/hoặc cổ tức hấp dẫn. Tương tự, chuyên gia YSVN cho rằng, NĐT vẫn nên thận trọng và ưu tiên chiến lược “phòng thủ”. Bởi lãi suất huy động trong nước đã hạ nhiệt, song xu hướng tăng lãi suất của Fed vẫn chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều.
Dù vậy, với những cú sụp đổ của các NH trên thế giới, Fed sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất thời gian tới. Việc Fed ngừng tăng lãi suất có thể xem là tin vui cho TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng, nếu tạm thời loại bỏ những tác động tiêu cực từ bên ngoài, thì TTCK vẫn còn nỗi lo nội tại, đó là áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp đang niêm yết.
Thực tế, vấn đề đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp, dù đã có khá nhiều giải pháp để tháo gỡ. Đây là rủi ro lớn nhất của thị trường, bởi những diễn biến tiêu cực có thể sẽ liên quan tới khả năng các doanh nghiệp này bị chuyển nhóm nợ, và ảnh hưởng tới triển vọng lợi nhuận của các NH có liên quan.
Trong khi NH có tác động mạnh tới chỉ số, bởi đây là nhóm CP có vốn hóa lớn nhất trên TTCK.
Một yếu tố được cho là tác động mạnh lên TTCK nhưng lại không được kỳ vọng nhiều, đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Nhiều CTCK đã có dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận quý I-2023, từ đó kéo theo mức định giá đi xuống của thị trường.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), trong khi các yếu tố mới chưa xuất hiện, nhiều khả năng những kỳ vọng về kết quả kinh doanh sẽ có tác động đáng kể hơn lên thị trường trong tháng 3.
NĐT vẫn cần chờ hết quý II để đánh giá với những giải pháp giải tỏa áp lực trái phiếu doanh nghiệp có phát huy hiệu quả như kỳ vọng.