Trước phiên hôm nay, giới đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ các chỉ số CK Mỹ. Việc CK Mỹ tăng mạnh xuất phát từ báo cáo dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, CPI tháng 7 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn dự báo tăng 8,7%. Nếu loại bỏ chi phí giá năng lượng và thực phẩm, CPI chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và 0,5% so với tháng 6.
Sắc xanh từ TTCK Mỹ đã tác động tích cực lên tâm lý NĐT đang nắm giữ tiền. Lệnh gom hàng giá xanh được bên mua đẩy vào ào ạt, giúp VN Index kéo xanh trong toàn bộ thời gian của phiên sáng và nửa đầu phiên chiều.
Tuy nhiên, bất ngờ lại xảy ra ở thời điểm “nhạy cảm” của thị trường khi hàng loạt lệnh bán giá thấp được tung lên bảng điện. Đáng chú ý là lệnh bán tập trung vào nhóm CP trong rổ VN30 khiến VN Index “bốc hơi” hơn 10 điểm sau thời điểm 14 giờ.
Ở góc độ tích cực, việc VN Index bất ngờ giảm sâu lại là yếu tố kéo dòng tiển quay trở lại khi NĐT tranh thủ mua bắt đáy nhóm CP trụ trong rổ VN30. Nhờ lực cầu bắt đáy này, VN Index dần hồi phục với số điểm giảm là 4,43 điểm (tương đương 0,35%) xuống 1.252 điểm.
Dù số điểm giảm “hạ nhiệt” về cuối phiên nhưng độ rộng giữa các mã tăng/giảm nới rộng đáng kể với 123 mã xanh so với 319 mã đỏ và 78 mã đứng giá.
Theo thống kê, nhóm CP giúp chỉ số không giảm sâu về cuối phiên gồm có: GAS, MSN, HDB, STB, VCB, VIC, VRE.
Phía ngược lại, tác động tiêu cực lên VN Index là các mã như: VNM, VIB, VPB, TCB, NVL, MBB, BVH.
Ấn tượng nhất trong phiên hôm nay (11-8) không đến từ những mã CP trụ giúp chỉ số không giảm sâu, mà đến từ sự cải thiện mạnh mẽ về yếu tố thanh khoản. Cụ thể, giá trị giao dịch của sàn HoSE trong phiên hôm nay đạt 18.777 tỷ đồng, tương đương 810,5 triệu CP khớp lệnh.
Nếu tính luôn giá trị khớp lệnh của 2 sàn còn lại là HNX và UPCoM thì giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 22.334 tỷ đồng (tương đương 0,93 tỷ USD).