Đây là một phần trong báo cáo phân tích chiến lược tháng 8 vừa được được CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố.
VN Index tháng 7 “ngược chiều” vĩ mô
Theo VDSC, mặc dù dữ liệu vĩ mô quý II tiếp tục cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP đạt 7,72% nhưng TTCK vẫn chứng kiến đợt tạo đáy lần 3 trong tháng 7. Nguyên nhân là do tâm lý lo ngại của NĐT khi thị trường “đặt cược” vào khả năng Fed tăng mức lãi suất cao hơn kỳ vọng là 100 điểm cơ bản thay vì 75 điểm cơ bản.
Gần về cuối tháng, thị trường quay đầu đảo chiều dẫn đầu là ngành ngân hàng với kết quả kết quả kinh doanh sơ bộ quý II vẫn khả quan. Kết thúc phiên tháng 7, VN Index trở lại mức 1.206 điểm, tương đương mức tăng 0,7%.
Tuy nhiên, các chỉ số phụ như VN30, VN Midcap, VNSmallcap lại ghi nhận diễn biến trái chiều. Cụ thể, trong khi VN30 giảm 1,35% thì VNMidcap tăng 4,46% và VNSmallcap tăng 3,81%). Ngoài ra, chỉ số bên sàn Hà Nội cũng đạt được hiệu suất cao hơn so với VN Index như: HNX Index tăng 3,94%, UPCoM Index tăng 1,15%.
So sánh với thị trường chứng khoán Mỹ và các chỉ số khác của châu Á, VN Index có phần kém sắc hơn như S&P 500 (tăng 9,11%), SET (tăng 8,08%), KOSPI (tăng 5,1%), NIKKEI 225 (tăng 5,34%).
Thanh khoản của HoSE cũng ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân giảm xuống mức 10.230 tỷ đồng/phiên (giảm 21,7% so với tháng 6).
Ngân hàng trở lại
Báo cáo của VDSC cho thấy, 3/10 nhóm ngành chứng kiến lợi nhuận tích cực trong tháng 7. Trong đó, nhóm ngành tài chính (tăng 5,28%), bao gồm: ngân hàng, bảo hiểm và CTCK. Nhóm ngành này ghi nhận mức tăng trở lại tốt nhất đã giúp thị trường thoát khỏi mức đáy.
Đáng chú ý, những CP ghi nhận mức tăng vượt trội và đóng góp nhiều nhất trong ngành so với thị trường chung là các mã ngân hàng như: BID (tăng 11,3%), VIB (tăng 23,7%), TCB (tăng 6,6%), STB (tăng 14,9%) và MBB (tăng 6,0%).
Các ngành có mức tăng tốt tiếp theo là y tế (tăng 4,94%) và công nghiệp (tăng 4,13%). Ngược lại, lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu bất ngờ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với lợi nhuận giảm 12,51% so với mức tăng khiêm tốn của tháng trước. Trong đó, MWG (giảm 14,7%), PNJ (giảm 11,3%), FRT (giảm 21,1%), MSH (giảm 11,3%) và CTF (giảm 21,4%) là những mã có mức giảm sâu nhất.
Tương tự, nhóm ngành tiện ích chứng kiến mức điều chỉnh lớn sau 3 tháng tăng liên tiếp (giảm 3,9%). Nhóm công nghệ cũng khiến NĐT thất vọng (giảm 3,37%), mặc dù “gã khổng lồ” công nghệ FPT vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định (tăng 20%).
VN Index biến động trong vùng 1.200-1.300 điểm
Ở thời điểm hiện tại, VDSC nhận thấy một số tín hiệu tích cực về khả năng hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu trong số liệu tháng 7, khi các chỉ số về giá dầu, giá cả hàng hóa chung và hoạt động lưu thông hàng hóa đều có xu hướng cải thiện khả quan so với tháng 6. Đây sẽ là thông tin tích cực nhất hỗ trợ cho VN Index trong tháng 8.
Bên cạnh đó, việc lạm phát được dự báo hạ nhiệt kỳ vọng nếu giá dầu vẫn giữ ổn định, hoặc có xu hướng giảm trong thời gian tới sẽ giúp Fed có dư địa để xem xét lại mức độ cũng như lộ trình nâng lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế tốt hơn.
Trong nước, theo quan điểm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ ở mức 14% cả năm 2022 của NHNN nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá trong nước. Tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 9,42%.
Như vậy, hạn mức tín dụng 5 tháng còn lại là 4,6%. Điều này dẫn tới các ngân hàng thương mại chưa có nhiều động lực tăng huy động tiền gửi. Từ đó VDSC kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ chưa có nhiều thay đổi trong tháng 8.
Xét về hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, sau mùa báo cáo tài chính quý II, tháng 8 thường sẽ đi vào vùng trống thông tin để thị trường có các cơ sở thay đổi định giá. Đồng thời, nhìn xa hơn triển vọng kinh doanh các ngành trong quý II.
Do vậy, ở thời điểm hiện tại, VDSC vẫn giữ quan điểm trung lập/khả quan về mức độ tác động tổng thể các ngành lên VN Index và kỳ vọng chỉ số sẽ biến động trong vùng 1.200-1.300 điểm.
VDSC khuyến nghị NĐT có thể giải ngân trở lại một phần danh mục cho chiến lược ngắn hạn và vẫn ưu tiên giữ môt lượng tiền mặt dành cho chiến lược đầu tư dài hạn khi các thông tin hỗ trợ các nhóm ngành dần rõ ràng hơn. Đồng thời, trong giai đoạn này, chúng tôi lưu ý nhà đầu tư vẫn nên theo dõi diễn biến giá dầu.
“Trong kịch bản tiêu cực, nếu giá dầu quay trở lại mức trên 130 USD/thùng sẽ tác động trở lại đến số liệu lạm phát trong các tháng tiếp theo và các kịch bản về việc giảm đà tăng lãi suất của Fed. Do đó, VN Index cũng sẽ có thể diễn biến kém lạc quan hơn so với mức kỳ vọng của chúng tôi”, theo VDSC.