Tuy nhiên, những nỗ lực phục hồi sau đó cho thấy trạng thái yếu ớt của dòng tiền khi một lượng lớn nhà đầu tư (NĐT) thông minh đã chốt lời và đứng ngoài quan sát. Xem ra bài học của sự lạc quan thái quá đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần, nhưng luôn có một bộ phận lớn NĐT chưa thuộc…
TTCK không phải luôn luôn đúng
Cho đến phiên ngày 16-8, khi VN Index đóng cửa ở mức cao nhất 8 tháng đầu năm 2023 ở mức 1.243,26 điểm, hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) vẫn nhận định rất lạc quan về xu hướng tăng trưởng. Đích đến của xu hướng tăng lúc đó được nhìn nhận là 1.300 điểm ngay trong tháng 8. Trên khắp các diễn đàn, hội nhóm đầu tư, các lời hô hào cổ vũ mua càng kích thích lòng tham mạnh hơn.
Chính tại đỉnh điểm lạc quan, TTCK lại bất ngờ quay đầu bằng một phiên giảm sốc kỷ lục kể từ đầu tháng 5-2022. Biên độ giảm hơn 55 điểm trong một ngày là diễn biến cực kỳ hiếm thấy, gợi nhớ lại trạng thái thị trường lao dốc sau khi đạt đỉnh lịch sử hồi tháng 4-2022.
Nguyên nhân của diễn biến giảm sốc này sau đó được mổ xẻ rất nhiều, thậm chí chính nhiều CTCK trước đó vài ngày còn nhận định hết sức lạc quan đột nhiên “đổi giọng”, cho rằng thị trường điều chỉnh là hợp lý và cần thiết. Những nỗ lực giải thích một sự kiện đã xảy ra vốn thường xuyên lặp đi lặp lại trên thị trường cho thấy, mọi nhận định cuối cùng cũng bị chi phối bởi yếu tố cảm tính, và các chuyên gia phân tích cuối cùng cũng không vượt qua được trạng thái tâm lý thông thường trong giao dịch.
Nếu phải chọn ra những câu châm ngôn trên TTCK “giết” nhiều NĐT nhất, thì chắc chắn phải có câu “thị trường luôn luôn đúng”. Không NĐT nào nhúng chân vào thị trường mà không thuộc nằm lòng câu châm ngôn này. Tuy nhiên, khi đã trải qua nhiều thăng trầm trong giao dịch, NĐT sẽ nhận thấy không phải lúc nào thị trường cũng luôn luôn đúng.
Đơn giản vì thị trường là tập hợp của những quan điểm bị chi phối bởi lòng tham và sự sợ hãi. Khi cả thị trường lạc quan nhất, hưng phấn nhất, ai ai cũng có lời, thì đó là thời điểm TTCK không còn đúng nữa. Không phải ngẫu nhiên mà tại mọi đỉnh cao lịch sử của TTCK, giao dịch luôn sôi động nhất, thanh khoản luôn cao nhất. Đó là vì đám đông “say đòn” đã lên tới cực điểm, dốc đồng vốn cuối cùng vào mua, vay mượn tối đa.
TTCK là tập hợp của những quan điểm bị chi phối bởi lòng tham và sự sợ hãi. Khi thị trường lạc quan nhất, hưng phấn nhất, ai ai cũng có lời, thì đó là thời điểm TTCK rất rủi ro. Đó là vì đám đông “say đòn” đã lên tới cực điểm, dốc đồng vốn cuối cùng vào mua, vay mượn tối đa.
Giai đoạn đầu tháng 8 vừa qua là như vậy, đám đông cuồng nhiệt vì lợi nhuận nghĩ rằng thị trường sẽ còn ban phát thêm nữa và thị trường luôn luôn đúng.
Tuy nhiên, quy luật cung cầu là điều không thể đi ngược lại được, khi sức mua đã đạt ngưỡng, nhiều CTCK cạn margin và dừng cho vay. Cổ phiếu tăng giá 50-100% rất nhiều, bất kể lời lãi của doanh nghiệp trong quý II như thế nào. Thậm chí NĐT lãi quá nhiều - giá trị tài sản đảm bảo tăng cao, còn sử dụng margin gấp thếp để mua thêm.
Quy luật cung cầu cũng chỉ ra rằng sức mua của NĐT tỷ lệ nghịch với giá cổ phiếu, tức là giá càng tăng, sức mua càng kém, vì lượng cổ phiếu không đổi nhưng lượng tiền cần có để mua lại tăng lên. Đó là lý do tại sao trong một khoản thời gian giới hạn, xu hướng tăng không thể kéo dài mãi được khi tiền mới bổ sung không kịp với mức giá tăng.
Cuộc chơi đường dài
Một thực tế lúc này là ngay cả khi nhiều NĐT phải bán tống bán tháo cổ phiếu tuần qua vẫn còn có lãi. Đó là vì biên độ chiều tăng quá tốt, nên việc trả lại vài chục phần trăm cho thị trường vẫn chưa “cụt” đến “tiền thịt”.
Chỉ những NĐT mắc kẹt ở vùng đỉnh mới thật sự chịu thiệt. Đối với nhiều NĐT mới tham gia thị trường 3 tháng nay (hơn 400.000 tài khoản mở mới trong giai đoạn từ tháng 5 tới tháng 7), đây có thể là “viên đạn bọc đường”, vì dễ mắc lại sai lầm trong các giai đoạn thị trường tiếp theo. Nhảy vào giữa một giai đoạn tăng trưởng bùng phát thì gần như mua cổ phiếu nào cũng có lãi.
Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán thành công không đồng nghĩa với việc thắng trong các thương vụ đơn lẻ ở những giai đoạn đơn lẻ của thị trường, mà phải thắng một cách có kỷ luật và chiến lược rõ ràng. Một điều rất ít NĐT nhận thấy là các quyết định đầu tư lại thường sai nhiều hơn là đúng và mỗi quyết định là sự đặt cược với rủi ro.
Câu châm ngôn “rủi ro cao, lợi nhuận lớn” (high risk, high return) thường bị hiểu sai là phải biết chấp nhận rủi ro cao mới có lợi nhuận lớn, nghĩa là đặt vế sau (lợi nhuận lớn) lên trước. Trong khi đó lẽ ra phải ngược lại, đặt vế rủi ro lên trước để đánh giá xem mức lợi nhuận dự kiến nếu đánh đổi với mức rủi ro đó có tương xứng hay không.
Suy nghĩ ngược nói trên rất dễ thấy trong quan điểm sử dụng đòn bẩy. Margin bản chất là vốn rủi ro (phải trả lãi và có tài sản cầm cố) và chỉ phù hợp với hoạt động đầu cơ rất ngắn hạn (thời gian càng dài càng khó đoán định diễn biến giá cổ phiếu và thị trường). Tuy nhiên rất nhiều NĐT chấp nhận đòn bẩy tỷ lệ cực cao như 2:8 hay 3:7 và nắm giữ dài.
Họ chấp nhận rủi ro rất cao để hy vọng sẽ có lợi nhuận lớn và đôi khi cũng thắng rất to trong những thương vụ riêng lẻ. Có nghĩa khi sử dụng đòn bẩy càng nhiều thì nguy cơ thua lỗ càng cao, vì quyết định sai thường nhiều hơn quyết định đúng và các lần sai được khuếch đại gấp nhiều lần do sử dụng vốn vay.
Chính vì vậy, yếu tố cơ bản của chiến lược đầu tư đúng đắn là chú trọng tới quản lý rủi ro trước khi tính đến lợi nhuận để hạn chế thua lỗ ở những quyết định sai lầm. Đó là chiến lược để đi đường dài, dù có thể không đạt được những khoản lợi nhuận tính bằng lần trong các thương vụ đơn lẻ.