Margin đã trở lại, nhưng vì sao CTCK vẫn kỳ vọng tự doanh?

(ĐTTCO) - Đà tăng của thị trường trong những tháng gần đây đã kéo theo nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) của nhà đầu tư. Thế nhưng, các công ty chứng khoán lại không đặt nhiều kỳ vọng về nguồn thu này.
Margin đã trở lại, nhưng vì sao CTCK vẫn kỳ vọng tự doanh?

NĐT mạnh dạn sử dụng margin

Sau đợt điều chỉnh trong tháng 4, VN Index đã hồi phục mạnh mẽ trong phần còn lại của quý II với làn sóng NĐT mới tham gia. Sự trở lại của NĐT kéo theo nhu cầu sử dụng margin tăng mạnh.

Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các CTCK vào thời điểm cuối quý II ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD) so với cuối quý I. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ đồng so với cuối quý I, ước đạt 142.000 tỷ đồng. Con số này cũng tương đương với thời điểm của năm ngoái.

Đa phần các CTCK đều ghi nhận dư nợ cho vay vào cuối quý II tăng so với thời điểm cuối quý I. Cụ thể, Top 10 CTCK có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường đều đã mở rộng quy mô hoạt động này trong quý vừa qua.

So với thời điểm cuối quý I, toàn thị trường có 9 CTCK ghi nhận dư nợ cho vay tăng trên 1.000 tỷ đồng, trong đó 2/3 số này nằm trong Top 10. Đáng chú ý, trong quý II vừa qua, thị trường đã ghi nhận thêm 2 CTCK có dư nợ margin trên 10.000 tỷ đồng là VPS và TCBS, bên cạnh Mirae Asset và SSI.

Dù vậy, số lượng này vẫn ít hơn so với thời điểm đỉnh cao khi dư nợ cho vay của các CTCK lập kỷ lục 200.000 tỷ đồng vào cuối quý I-2022. Thời điểm đó, thị trường có đến 6 CTCK có dư nợ trên 10.000 tỷ đồng.

Việc NĐT “mạnh tay” hơn trong việc sử dụng đòn bẩy cũng góp phần đẩy thanh khoản thị trường cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong tháng 6. Giá trị giao dịch nhiều phiên đã trở lại ngưỡng tỷ USD. Riêng trên HoSE, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 6 đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây, (tính từ tháng 4-2022).

Thanh khoản dồi dào được dự báo vẫn tiếp tục duy trì trong những tháng tới khi lượng tiền gởi tiết kiệm với lãi suất cao đáo hạn.

Lãi margin không như kỳ vọng

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý II, hoạt động cho vay ước tính mang lại cho các CTCK tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng doanh thu. Con số này đã tăng khoảng 500 tỷ đồng so với cuối quý trước và tương đương quý cuối năm ngoái.

Như vậy, sau 4 quý liên tiếp bị thu hẹp, nguồn thu này của các CTCK đã tăng trở lại. Đặc biệt, lãi từ cho vay và phải thu tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của NĐT.

So với thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vào cuối quý IV-2022, dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý II vừa qua đã tăng mạnh khoảng 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay của các CTCK lại gần như không được cải thiện.

Theo giới phân tích, điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, dư nợ margin duy trì ở mức thấp trong phần lớn thời gian của quý II vừa qua và chỉ bắt đầu tăng mạnh vào cuối quý. Có thể là trong tháng 6 khi xu hướng đi lên rõ ràng hơn cùng với thanh khoản tăng đáng kể. Do đó, thời gian tính lãi trên dư nợ margin khá ngắn dẫn đến nguồn thu từ lãi không lớn.

Yếu tố thứ 2 là mặt bằng lãi suất trong quý II đã thấp hơn đáng kể so với quý cuối năm ngoái, sau liên tiếp những đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lãi suất cho vay tuy giảm chậm nhưng cũng đã hạ nhiệt so với giai đoạn trước. Điều này góp phần tiết giảm chi phí vốn giúp các CTCK có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay margin.

Tuy nhiên, nếu xét trên từng CTCK thì lợi thế này không quá rõ ràng, bởi trước đó nhiều CTCK vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất cao. Chẳng hạn, TCBS là cái tên bứt phá ngoạn mục nhất trong quý II với lãi từ cho vay và phải thu tăng vọt lên gần 400 tỷ đồng, tương đương với mức cao nhất kể từ khi hoạt động ghi nhận trong nửa đầu năm ngoái.

Nhưng ở chiều ngược lại, Mirae Asset dù dẫn đầu về dư nợ cho vay vào cuối quý II nhưng lãi thu được lại giảm nhẹ so với quý I và thấp hơn nhiều so với đỉnh đạt được đầu năm 2022.

Kỳ vọng tự doanh?

Cho vay margin là mảng nghiệp vụ quan trọng của các CTCK khi lãi từ hoạt động này là nguồn thu lớn nhất đối với nhiều CTCK trong các năm trước. Doanh thu đến từ mảng cho vay margin luôn duy trì tỷ trọng khoảng 30%. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, nguồn thu này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố không dễ đoán định như diễn biến thị trường, tâm lý NĐT và đặc biệt là lãi suất trong xu hướng đi xuống.

Lãnh đạo một CTCK thừa nhận, rất khó có thể dự báo chính xác biến động của nguồn thu từ lãi trong tương lai. Đây cũng chính là lý do khiến cho CTCK hiện không đặt nhiều kỳ vọng vào nguồn thu từ margin.

Vậy mảng đầu tư nào mới chính là yếu tố mà các CTCK trông đợi? Cũng theo vị lãnh đạo CTCK trên, 2 nguồn thu mà các CTCK đặt kỳ vọng nhất là doanh thu môi giới và hoạt động tự doanh.

Cụ thể, TTCK hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản như: dòng tiền có xu hướng chuyển dịch từ kênh tiền gửi ngân hàng sang CK sẽ góp phần làm tăng thanh khoản; số NĐT mở mới tăng trở lại củng cố sự kỳ vọng của NĐT sau khi nhận được những nỗ lực đưa ra các giải pháp kích thích nền kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên, khả năng đột biến thanh khoản trong những tháng cuối năm vẫn không được đánh giá cao. Theo dự báo của CTCK Vietcombank (VCBS), khối lượng giao dịch bình quân phiên có thể đạt khoảng 750-800 triệu đơn vị trên cả 3 sàn cho cả năm 2023, tương ứng mức giảm 5-10% so với năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân phiên cũng được dự báo giảm 33-40%, tương ứng đạt khoảng 13.000-15.000 tỷ đồng/phiên trên cả 3 sàn.

Như vậy, kỳ vọng lớn nhất của CTCK chính là mảng tự doanh. Thời gian gần đây, các CTCK đẩy mạnh mua ròng với số lượng rất lớn. Theo thống kê, tính đến phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, bộ phận tự doanh của các CTCK đã có hàng chục phiên mua ròng.

Tuy nhiên, xen kẽ trong các ngày mua ròng là những phiên bán ròng cực mạnh. Đơn cử là phiên 25-7, tự doanh bán ròng hơn 480 tỷ đồng. Đây có thể xem là động thái chốt lời bởi đây là phiên VN Index tăng mạnh.

Việc các CTCK “lướt sóng” khá nhịp nhàng theo biến động tăng giảm của thị trường cho thấy nguồn thu từ hoạt động này sẽ là yếu tố tạo nên đột biến trong các tháng cuối năm.

Các CTCK hiện đang cho vay margin với lãi suất phổ biến là 11%. Một số CTCK có vốn ngoại cho vay margin chỉ trên dưới 9%, thậm chí có CTCK tung chương trình miễn lãi suất margin.

Các tin khác