Nhà giá rẻ, sẽ còn xa?

(ĐTTCO) - Mặc dù đã có chủ trương từ lâu, nhưng việc phát triển các dự án nhà ở cho người thu nhập trung bình trên cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng rất ít, trong khi nhà ở cao cấp có giá từ 2 tỷ đồng/căn lại đang bùng nổ nguồn cung. Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, trong năm 2016 đã có 28.800 căn hộ nhà ở xã hội (NoXH) được xây dựng, với tổng diện tích 3,7 triệu m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động. Nhiều địa phương đã nỗ lực trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, quy hoạch, tạo quỹ đất, thực hiện nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhà giá rẻ và đã làm tốt như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư phát triển NoXH và đã có một số dự án trở thành mô hình tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ, quản lý, vận hành...

(ĐTTCO) - Mặc dù đã có chủ trương từ lâu, nhưng việc phát triển các dự án nhà ở cho người thu nhập trung bình trên cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng rất ít, trong khi nhà ở cao cấp có giá từ 2 tỷ đồng/căn lại đang bùng nổ nguồn cung.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, trong năm 2016 đã có 28.800 căn hộ nhà ở xã hội (NoXH) được xây dựng, với tổng diện tích 3,7 triệu m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động. Nhiều địa phương đã nỗ lực trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, quy hoạch, tạo quỹ đất, thực hiện nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhà giá rẻ và đã làm tốt như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư phát triển NoXH và đã có một số dự án trở thành mô hình tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ, quản lý, vận hành...

 

Tuy nhiên, việc phát triển NoXH chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến hết 2016, cả nước chỉ có 179 dự án NoXH được đầu tư xây dựng với 71.150 căn hộ, trong khi mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là 250.000 căn hộ, tức mới giải quyết được 28% nhu cầu.

Theo số liệu của các địa phương đến năm 2020, nhu cầu về NoXH khoảng 1 triệu căn hộ, tương đương 50 triệu m2 sàn. Cụ thể, Hà Nội khoảng 110.000 căn, TPHCM 134.000 căn, Đà Nẵng 11.500 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Bình Dương 41.250 căn… Riêng nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu người, tương đương 12,8 triệu m2 sàn.

Thực tế cho thấy chương trình này đang gặp rất nhiều trở ngại. Đó là số lượng dự án NoXH, nhà giá rẻ rất ít, lại thường dính với những thông tin dự án không có tiện ích khiến người dân ngại mua. Cùng với đó là hạn chế đối tượng, giới hạn diện tích căn hộ, rồi những rối rắm trong thủ tục xét duyệt khiến không mấy người mua được nhà này.

Trước đây, lúc thị trường gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại (NoTM) xin được chuyển sang làm NoXH hoặc NoTM giá rẻ. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó các doanh nghiệp này quay lưng với NoXH, một phần vì đầu tư lợi nhuận quá thấp, một phần do những quy định rườm rà, cứng nhắc trong quá trình xin làm dự án.

Bên cạnh đó, quỹ đất cho NoXH, nhà giá rẻ đang rất thiếu, khu vực quận nội thành cũng như ngoại thành nhiều đô thị lớn trên cả nước hầu như không còn và nếu còn cũng không thể xin được, những khu đất vàng đều đã có chủ từ 5-10 năm trước. Để xin được dự án nhà ở giá rẻ, doanh nghiệp phải ra xa trung tâm, song nghịch lý xây NoXH xa trung tâm lại không có người tới ở. Nhiều doanh nghiệp xoay xở để có đất ở khu vực gần trung tâm, nhưng chi phí cho dự án nhà giá rẻ tại các khu vực này lại không hề rẻ, nên giá bán căn hộ nơi đây chỉ có người nhiều tiền mới mua được.

Một vướng mắc lớn nhất cho doanh nghiệp làm NoXH, nhà giá rẻ chính là cơ chế vốn và công tác đền bù. Vốn doanh nghiệp có thể huy động của khách hàng, nhưng không thể phụ thuộc, vẫn phải đi vay ngân hàng. Trong khi nhà giá rẻ với lãi suất vay dưới lãi suất thương mại chắc chắn không ngân hàng nào cấp tín dụng, nhất là khi gói 30.000 tỷ đồng hết hiệu lực giải ngân.

Cuối năm 2016, Chính phủ cho biết sẽ cung cấp gói tín dụng mới 50.000-60.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở giá thấp trong năm 2017. Nhưng thực tế việc huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước với quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ rất khó khăn trong tình hình ngân sách eo hẹp hiện nay.

Trong bối cảnh trên, cuối năm 2016, Tập đoàn Vingroup đã tuyên bố sẽ xây dựng 300.000 căn hộ thương mại giá khoảng 700 triệu đồng/căn trong 5 năm tới tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nha Trang. Ngay sau đó Tập đoàn Mường Thanh cũng đưa ra thông điệp sẽ phát triển NoTM giá còn thấp hơn, khoảng 500 triệu đồng/căn.

Ở phía Nam, hàng loạt ông lớn khác đang bắt đầu chuyển hướng từ cao cấp sang nhà giá rẻ như Him Lam Land lên kế hoạch xây 2.000 căn hộ vừa túi tiền trong những năm tới. Nam Long cho biết trong 5 năm tới sẽ cho ra thị trường hơn 10.000 căn nhà giá rẻ. Cũng đang nhắm tới phân khúc này còn có Hưng Thịnh, Kiến Á, Dream Home... Tuy nhiên, đây chỉ là những tín hiệu tích cực với thị trường.

Thực tế, để làm được cần sự hỗ trợ từ chính sách, sự vào cuộc của các nhà đầu tư “nói là làm” mới hy vọng đáp ứng được phần lớn nhu cầu tại các đô thị hiện nay, từ đó mới tạo tiền đề nhà giá rẻ không còn xa vời đối với người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Các tin khác