Được xây dựng vào năm 1806, và đã được trùng tu 2 lần vào năm 1909 và 2005, nhưng công trình vốn là tư dinh của Binh bộ thượng thư Nhuận Trạch Hầu - Nguyễn Tường Vân, vẫn mang nét đẹp độc đáo kết hợp kiến trúc Việt Nam - Nhật Bản - Trung Hoa.
Nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường có tuổi đời hơn 200 năm ở Hội An cũng là nơi phát tích của nhóm Tự Lực Văn Đoàn lừng lẫy với anh em Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam (1906-1963), Hoàng Đạo - Nguyễn Tường Long (1907-1948), Thạch Lam - Nguyễn Tường Lân (1910-1942)... Bên trong nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường lưu giữ nhiều hình ảnh và tư liệu có giá trị của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trong đó có cả những bức tranh do Nhất Linh vẽ từ thập niên 30 của thế kỷ trước.
Người đang quản lý nhà thờ cổ tộc Nguyễn Tường cho biết, nhà lưu niệm không bán vé nên gần như không có chi phí để duy trì. Trước dịch Covid-19 có hợp tác với một số cá nhân bán hàng lưu niệm nhưng sau dịch Covid-19 vẫn chưa có nguồn thu nào khác. Thực tế bảo tàng hay nhà lưu niệm chỉ phân định ở quy mô, còn cách thức xây dựng và phương pháp vận hành tương tự nhau.
Đã từng có nhiều nhà lưu niệm danh nhân được xuất hiện như nhà lưu niệm Nguyễn Bính, nhà lưu niệm Nguyên Hồng, nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư, nhà lưu niệm Sơn Nam... nhưng đều hoạt động trong khuôn khổ hạn hẹp. Đây là một sự thật đáng suy ngẫm, bởi lẽ đầu tư phát triển các bảo tàng tư nhân hoặc nhà lưu niệm danh nhân sẽ góp phần không nhỏ bổ sung cho diện mạo di sản văn hóa quốc gia. Không ít bảo tàng quy mô trên thế giới đều bắt nguồn từ các bộ sưu tập cá nhân…
Di sản của nhà văn Thạch Lam. |
Bảo tàng Văn học Việt Nam được Chính phủ cấp phép thành lập từ năm 2011, và mở cửa từ năm 2015. Đã từng tổ chức nhiều đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng và bổ sung trưng bày, nhưng theo thời gian các tài liệu, hiện vật liên quan đến văn học và các nhà văn ngày càng ít đi. Cuối năm 2022, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã phải phát đi thư kêu gọi hiến tặng tài liệu, hiện vật từ các nhà văn và thân nhân của họ.
Bên cạnh lĩnh vực văn hóa, bảo tàng tư nhân về quân sự và xã hội cũng được nhiều người chú ý. Thí dụ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của cựu binh Nguyễn Mạnh Hiệp thành lập năm 2011 ở Hà Nội. Nhiều người từng trầm trồ khi chứng kiến hàng ngàn hiện vật chiến tranh như máy thông tin quân sự, cây nhiệt đới, bộ quần áo của lính Mỹ, cùng nhiều hình ảnh và tư liệu quý giá về các vị tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay bảo tàng đang xuống cấp nghiêm trọng sau khi cựu binh Nguyễn Mạnh Hiệp qua đời, và số phận của bảo tàng này cũng như đèn dầu treo trước gió.
Làm sao để nhà lưu niệm danh nhân hay bảo tàng tư nhân tồn tại? Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chúng ta vẫn chưa khám phá hết phần chìm của “tảng băng” di sản văn hóa Việt Nam. Bởi phần lớn những bộ sưu tập đẹp và quý hiếm đều thuộc quyền sở hữu của người dân chứ không phải Nhà nước, nhưng do không được hỗ trợ về nghiệp vụ chuyên môn, cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý nên nhiều nhà sưu tập không thể thao tác một cách thành thục. Để phát huy và bảo tồn di sản văn hóa, cần phải biến tài sản cá nhân trở thành di sản cộng đồng.
Vì vậy, Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn vào các bảo tàng tư nhân và tạo điều kiện cho các nhà sưu tập bộc lộ di sản của họ ra. Có thể tham khảo mô hình tại 2 nơi đang hỗ trợ hiệu quả cho các nhà sưu tập là Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) và Ánh Dương Art Space, hoặc mô hình của Viện Smithsonian (Mỹ) - một tổ chức chuyên xã hội hóa các bảo tàng.
Những nhà chuyên môn cho rằng, không phải cứ sở hữu hàng ngàn, hàng vạn hiện vật giá trị là sẽ duy trì và phát triển được một bảo tàng tư nhân hoặc nhà lưu niệm danh nhân. Vì sưu tập chỉ là một đam mê, còn làm công tác bảo tàng và trưng bày lại là một nghề. Ở các nước châu Âu và châu Mỹ, rất nhiều đại gia sở hữu các bộ sưu tập đồ sộ, nhưng đa số đều không mở bảo tàng tư nhân vì không đủ chuyên môn. Họ bảo tồn bộ sưu tập của mình bằng cách hiến tặng lại toàn bộ cho nhà nước lúc cuối đời.
Nhà lưu niệm danh nhân hoặc bảo tàng tư nhân chỉ nên hình nên dáng khi con cháu người quá cố có điều kiện kinh tế và tri thức vững vàng. Phú quý mới sinh lễ nghĩa được. Tầm cỡ như nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) mà nhà lưu niệm của tác giả “Số đỏ” cũng không duy trì được.
Tương tự, nhà văn Nam Cao (1917-1951) có di sản tầm cỡ, nhưng con cháu cũng không thể làm cho ông được lễ kỷ niệm nhộn nhịp nào. Ở đời, đã là ánh sáng thì nhất định lấp lánh. Con cháu của nhà văn không dư dả để tôn vinh nhân vật đã yên nghỉ, thì công chúng sẽ làm điều ấy. Thí dụ, trường hợp nhà thơ Quang Dũng (1921-1988). Tại quê hương của nhà thơ Quang Dũng, không chỉ có bức tượng của ông được đặt trang trọng ở Trường tiểu học thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội mà bài thơ “Tây Tiến” còn được tổ chức kỷ niệm ngày ra đời khá tưng bừng.
Cho nên, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) từng cảnh tỉnh: “Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn/ Chẳng qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng/ Ông đã hóa mây trắng ngang trời hoài niệm/ Hóa ra Kiều cao gấp mấy đời ông”.
Đã đến lúc phải có chiến lược giữ gìn và phát huy những kỷ vật có giá trị gắn với người nổi tiếng.