Nhà máy phong điện đầu tiên hoạt động

Nhà máy Phong điện I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận được khánh thành hôm 18-4. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự lễ.

Nhà máy Phong điện I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận được khánh thành hôm 18-4. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự lễ.

 Trụ điện gió của nhà máy điện gió Tuy Phong, Bình Thuận.
Trụ điện gió của nhà máy điện gió Tuy Phong, Bình Thuận.  

Đây là nhà máy phong điện đầu tiên của cả nước do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư xây dựng với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nhà máy có tổng công suất 30MW, được khởi công năm 2008, sử dụng 20 turbin gió loại 1,5MW của Cộng hòa LB Đức.

Đây là dự án năng lượng tái tạo, dự án phong điện đầu tiên tại Việt Nam có công suất lớn, được kết nối vào lưới điện quốc gia (cấp 110kV). Hàng năm cung cấp khoảng 85 triệu kWh điện và giảm phát thải 58.000 tấn CO2/năm.

Để nâng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng năng lượng quốc gia, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện 7, trong đó đề ra mục tiêu “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này lên mức 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030”.

Với chương trình phát triển điện gió như dự kiến thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm được lượng than cho sản xuất điện khoảng 5 triệu tấn và giảm được 10 triệu tấn khí thải CO2. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện nghị định thư Kyoto.

Đến nay toàn tỉnh Bình Thuận đã có 15 dự án điện gió đăng ký đầu tư trong đó có dự án nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận được khánh thành hôm nay.

Theo đánh giá của Ủy ban năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB),  Việt Nam có tiềm năng điện gió rất lớn ước đạt 513.360MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La. Năm 2001, WB đã tài trợ cho 4 nước Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng gió cho khu vực và kết luận Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất. Đặc biệt, hơn 8% diện tích của Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt.

Các tin khác