Công khai ngoài việc để xã hội hay cơ quan chức năng giám sát, còn có chức năng tạo ra kênh góp ý, phản biện tìm kiếm những giải pháp tốt nhất để phát triển.
Khi có góp ý, phản biện, chia sẻ, giữa nhà trường và phụ huynh sẽ hiểu nhau hơn, qua đó giảm tải những căng thẳng giữa đôi bên. Một hiệu trưởng dày dạn kinh nghiệm từng đúc kết: “Nhà trường khi trao đổi với phụ huynh nhất quyết không được sai, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra”. Hiểu nôm na, phụ huynh có nói sai, nhà trường cũng phải giữ mình tránh bị vạ miệng khi đối thoại. Chính vì lo ngại tâm lý sợ sai đã dẫn đến những giải pháp cố thủ đầy tính tiêu cực của một số nhà trường, như hạn chế đối thoại hoặc khi đối thoại chỉ viện dẫn những quy định vô hồn và luôn khẳng định mình làm đúng hoặc không sai. Đó là chuyện của nhà trường.
Còn chuyện của phụ huynh thì sao. Một đồng nghiệp của tôi là phát thanh viên đài truyền hình ở miền Trung, sau khi nghe giáo viên chủ nhiệm lớp con mình thông báo những hoạt động thực hiện trước khi bước vào năm học mới, đã viết những dòng đầy ngao ngán trên Facebook về những yêu cầu rất phi lý, trái với nhiều quy định. Khi tôi hỏi vì sao không bày tỏ ý kiến với giáo viên hoặc trực tiếp gặp ban giám hiệu, chị cho biết rất e ngại vì con mình mới học lớp 1, nghĩa là còn nhiều năm nữa ở trường. Bởi lẽ năm trước, một người thân của chị khi gọi điện trực tiếp cho hiệu trưởng để mong nhận được sự giải thích rõ ràng hơn, lại nhận được những câu trả lời kiểu “trường làm đúng quy định”, kèm theo là lời nhắc nhở phải “nói chuyện cho phù hợp”. Câu chuyện trên chỉ ra một thực trạng phổ biến, phụ huynh học sinh muốn góp ý cho nhà trường, nhưng không hề đơn giản.
Nhưng cũng cần biết rằng, việc khẳng định mình đúng là điều tối kỵ trong đối thoại hoặc tranh luận, vì đây là một cách gián tiếp khiến người đối diện cảm thấy sai, hoặc tạo ra sự ấm ức không cần thiết. TS. Trần Nguyên Lập, Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Nha Trang, cho biết bản thân ông đã tiếp nhận một số ý kiến gay gắt từ phụ huynh về nhà trường, mà “mồi lửa” chỉ vì cách thức lắng nghe từ phía nhà trường chưa phù hợp. Việc học sinh đến trường phải tuân thủ kỷ luật của nhà trường và lớp học là điều hiển nhiên, nhưng vẫn có những trường hợp sự tuân thủ này còn “lấn sân” sang cả phía phụ huynh. Từ đây có thể làm phát sinh những bức xúc, hiểu lầm không đáng có, trong khi khả năng hóa giải rất nhỏ.
Một người bạn của tôi sống tại thành phố lớn, có con học một trường nổi tiếng tại quận trung tâm. Năm lớp 1 cháu vô cùng hạnh phúc vì gặp cô giáo chủ nhiệm ngoài chuyên môn cực tốt lại rất hiểu tâm lý học sinh. Sang đến lớp 2, giáo viên chủ nhiệm thay đổi và cháu không còn thích thú như trước. Tôi trao đổi việc này với một cán bộ quản lý trong ngành giáo dục, đã từng công tác ở trường này, và nhận được đề nghị sắp xếp cho bạn tôi gặp trực tiếp vị cán bộ này để lắng nghe và có thể tìm giải pháp cho cháu. Bạn tôi rất cảm kích vì tâm huyết của vị cán bộ, nhưng cũng cảm ơn và từ chối. Kết thúc năm học vừa rồi anh đã rút hồ sơ và chuyển con sang học trường khác.
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, người được đánh giá rất cao bởi khả năng lắng nghe ý kiến, đã chia sẻ giải pháp “phụ huynh hãy nhìn sự việc dưới con mắt của trẻ thơ”. Khi còn đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, cô Thúy đã triển khai mô hình “Lớp học xanh - Lớp học mở” được đánh giá rất cao. Điểm nổi bật trong mô hình này chính là việc phụ huynh có thể trực tiếp tham gia giờ học của con em, thậm chí quan sát đến bữa ăn của nhà trường như thế nào.
Dù vậy cô Thúy cũng rất khiêm nhường khi không bao giờ nhận đây là sáng kiến của bản thân. Cô cho rằng mô hình “Lớp học xanh - Lớp học mở” cũng chỉ dựa trên tiêu chí “3 công khai” của Bộ GD-ĐT. Việc phụ huynh có những góc nhìn thú vị, nêu quan điểm, góp ý cho nhà trường là điều rất đáng hoan nghênh, nhưng đồng thời cũng nên đặt mình dưới góc nhìn của trẻ thơ để quan sát sự việc. “Trẻ đến trường có vui không, có hạnh phúc, tự tin, mạnh dạn không? Nếu câu trả lời là có, phụ huynh hãy an tâm, các ý kiến khác chắc chắn nhà trường sẽ lắng nghe và tìm cách xử lý” - cô nói.
TS. Trần Nguyên Lập thừa nhận, lắng nghe như thế nào cũng là một thách thức. Bản thân ông khi triển khai xây dựng “3 công khai” cho các trường trên địa bàn thành phố Nha Trang cũng thấy độ vênh giữa kế hoạch và hành động thực tế. Việc nhà trường nói sẵn sàng lắng nghe, nhưng chỉ nghe những ý kiến thuận tai, vừa ý vẫn xuất hiện. Và thực tế, ngay trong nội bộ của nhà trường, việc góp ý, phản biện nội bộ giữa giáo viên và ban giám hiệu vẫn chưa được triển khai. Suy nghĩ “nếu nội bộ giáo viên vẫn chưa làm triệt để sẽ không dễ để có thể mở cửa lắng nghe phụ huynh và góp ý của toàn xã hội” - TS. Lập quyết tâm hành động.
Theo đó, biện pháp đầu tiên được đưa ra, TS. Lập sẽ mở cửa tiếp tất cả phụ huynh và lắng nghe. Điều này được chứng thực khi nhân viên bảo vệ của Phòng GD-ĐT thành phố Nha Trang luôn niềm nở với bất kỳ ai đến báo “gặp thầy Lập”. Sắp tới đây, TS. Lập sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với các giáo viên của từng cụm. “Những gì giáo viên không tiện nói ở trường, có thể nói trực tiếp với tôi” - TS. Lập nhấn mạnh.
Nhà trường - Gia đình - Xã hội là 3 cột trụ trong việc dưỡng dục học sinh đến tuổi trưởng thành. Để 3 cột trụ này vững vàng như kiềng 3 chân, nâng bước cho thế hệ tương lai, tất yếu cần có sự gắn kết, đối thoại chặt chẽ, để hiểu nhau hơn. Vì thế, với áp lực ngành giáo dục đang gánh vác, việc lắng nghe, chia sẻ cùng gia đình, xã hội chính là phương cách quan trọng để có được sự thấu hiểu, chia sẻ, nhằm thực hiện tốt sự nghiệp trồng người đầy vẻ vang của mình.