Theo đạo luật có hiệu lực từ tháng 11-2015, quan chức bị phát hiện nhận hối lộ từ 1 triệu won (850 USD) trở lên sẽ bị giáng chức ngay lập tức.
Cựu thủ tướng Lee Wan Koo (giữa) vừa bị tòa kết án tham nhũng liên quan doanh nhân Sung Wan Jong - Ảnh: Reuters |
Theo Hãng tin Yonhap, đây được xem là động thái mới nhất trong công cuộc phòng chống nạn tham nhũng vốn rất nhức nhối ở Hàn Quốc.
Theo đó, mức 1 triệu won được lấy làm mốc xử phạt quan chức không chỉ căn cứ vào các giao dịch tiền mặt, mà còn bao gồm cả giá trị quy đổi của những đồ vật quý cùng các tài sản vật chất được sử dụng để hối lộ.
Theo Bộ Quản lý nhân sự, trong trường hợp số tiền hối lộ chưa tới mức 1 triệu won, quan chức bị kết tội tham nhũng vẫn phải chịu án kỷ luật nghiêm khắc.
Cũng theo điều luật mới, sau khi bị buộc rời khỏi chức vụ, quan chức bị tội sẽ không được phép nắm giữ bất cứ cương vị lãnh đạo nào khác thuộc hệ thống công quyền trong năm năm tiếp theo. Báo Korea Times cho biết “dư âm” của án phạt là lương hưu cũng bị cắt giảm 50%!
Có bình luận cho rằng với điều luật mới này, giới lãnh đạo chính trị Hàn Quốc muốn có động thái làm dịu dư luận trong nước. Thời gian qua, Hàn Quốc liên tiếp rúng động với những vụ tham nhũng lớn với những can phạm đều là các vị “tai to mặt lớn”.
Hồi tháng 7-2015, Thủ tướng Lee Wan Koo và đương kim tỉnh trưởng tỉnh Nam Gyeongsang, ông Hong Joon Pyo, đã bị kết tội nhận hối lộ từ (cố) chủ tịch Tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises, ông Sung Wan Jong.
Theo TVNZ, trên thực tế, xìcăngđan tham nhũng liên quan tới cựu thủ tướng Lee Wan Koo chỉ thật sự bùng ra hồi tháng 4 năm nay, hai tháng sau khi ông lên nắm quyền. Trước đó một tháng, khi doanh nhân Sung Wan Jong tự tử đã để lại thư tuyệt mệnh với danh sách tám vị quan chức chính phủ đã nhận hối lộ của ông.
Cả tám quan chức cao cấp bị nêu tên, trong đó có ông Lee và ông Hong, đều là những người được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Trước khi chết, ông Sung Wan Jong từng kể với một nhật báo địa phương là ông từng hối lộ ông Lee 30 triệu won (25.153 USD) vào năm 2013.
Ông Lee ban đầu một mực bác bỏ cáo buộc hối lộ liên quan tới ông Sung. Nhưng trước sức ép dư luận, đặc biệt sau khi truyền thông công bố những chứng cứ xác thực cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa ông với ông Sung thì ông Lee đã buộc phải đệ đơn từ chức.
Trước ông Lee, bà Han Myeong Sook, nữ thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc, cũng đã phải vào tù hôm 20-8 sau khi tòa án tối cao nước này bảo lưu bản án sau phiên phúc thẩm và phạt bà Han Myeong Sook hai năm tù vì tội nhận hối lộ 880 triệu won từ một doanh nhân để lập quỹ vận động chính trị phi pháp.
Bê bối tham nhũng gần đây nhất là vụ việc liên quan tới nghị sĩ độc lập Park Ki Choon vừa bị phanh phui hồi đầu tháng này. Theo Korea Times, ông Park Ki Choon bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ 350 triệu won (299.000 USD) và các đồ giá trị như đồng hồ, túi xách hàng xa xỉ từ người đứng đầu một doanh nghiệp mà danh tính chỉ biết qua họ là Kim.
Được sự chấp thuận của quốc hội, tòa án đã ra lệnh bắt ông Park Ki Choon. Các công tố viên đã cáo buộc ông Park lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình trong Ủy ban phụ trách các vấn đề hàng hải, giao thông vận tải và đất đai của Quốc hội Hàn Quốc trong hai khóa 18 và 19 để tạo các điều kiện chống lưng cho doanh nhân Kim.
Chiến lược chống tham nhũng của Hàn Quốc có thể được mô tả thông qua bốn thành tố, đó là: xây dựng nền tảng cần thiết về chống tham nhũng, thực hiện cải cách hành chính và thể chế, nâng cao nhận thức của dân chúng về tham nhũng và tăng cường biện pháp phát hiện và trừng phạt.