Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá

(ĐTTCO) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng một số nội dung chưa đạt như kỳ vọng. Là người từng đeo bám, thúc đẩy cho ra đời Nghị quyết 54 và cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian đầu, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XV, đã dành cho PV Báo SGGP cuộc trao đổi về các vấn đề liên quan.
Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 1
Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 2

- Tạo cơ chế để phát triển TPHCM nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho cả nước là mong mỏi của nhiều thế hệ lãnh đạo của TPHCM và cả người dân, đồng chí có thể chia sẻ về sự ra đời của Nghị quyết 54?

- GS.TS NGUYỄN THIỆN NHÂN: Từ năm 1995, TPHCM đã nhận thấy thành phố có những đặc thù riêng, do đặc điểm về dân cư, về kinh tế, nguồn lực… Nếu vận dụng những quy định chung của cả nước cho TPHCM thì có điểm không hợp lý, thậm chí làm cản trở sự phát triển của thành phố.

TPHCM từng có kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù, báo cáo Bộ Chính trị, nhưng vì nhiều lý do chưa được chấp thuận.

Năm 2017, quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 (năm 2012) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhận thấy lúc này đã có đủ điều kiện về thực tiễn, số liệu để xây dựng một đề án báo cáo Bộ Chính trị, không chỉ dừng ở việc sơ kết mà Bộ Chính trị nên có kết luận về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM. Đề xuất này được Bộ Chính trị chấp thuận (thông qua Kết luận 21-KL/TW ngày 24-10-2017) và sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54.

Như vậy, Nghị quyết 54 ra đời thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cụ thể, kịp thời và chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, cùng với đó là việc triển khai kết luận của Bộ Chính trị rất nhanh tại Quốc hội, đặc biệt sự thẩm định của Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tạo điều kiện để TPHCM tiếp tục phát triển nhanh vì cả nước, cùng cả nước.

- Về phía TPHCM đã tập trung thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

TPHCM đã triển khai thực hiện Nghị quyết 54 rất khẩn trương. Cụ thể, ngày 24-11-2017, Nghị quyết 54 được ban hành thì trong tháng 12-2017, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TPHCM đã có nghị quyết triển khai. Tiếp đó, tháng 1-2018, UBND TPHCM có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 54. Sau đó, trong năm 2018, HĐND TPHCM có nghị quyết thông qua danh mục các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố (trong đó có 1 dự án từ nhóm B chuyển qua) và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

 
Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 3

Rõ ràng, Bộ Chính trị thấu hiểu, quan tâm sâu sắc, Quốc hội tạo điều kiện và TPHCM đã tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 54 trong 2 năm đầu 2018, 2019. Song, điều kiện không thuận lợi là vì dịch Covid-19, trong 2 năm tiếp theo 2020, 2021, TPHCM phải giảm, dừng rất nhiều hoạt động, kể cả các hoạt động kinh tế - xã hội để tập trung phòng chống dịch bệnh và phải vượt qua những hậu quả nghiêm trọng về con người, kinh tế - xã hội.

- Trong bối cảnh chung đó, đồng chí đánh giá về những kết quả mà TPHCM đạt được?

- TPHCM đã chủ động thực hiện có kết quả những nhiệm vụ liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của mình.

Thứ nhất, TPHCM điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, phù hợp thực tiễn thành phố, thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường. Với sự đồng hành của các doanh nghiệp, trong 3 năm, TPHCM thu được 132 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với trước. Điều đó cho thấy việc thu phí hợp lý. Quan trọng hơn, việc thu phí còn tạo cú hích đến các doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ thiết bị, giảm nước thải, bớt trả phí, cũng vừa góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 4
Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 5
Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 6

Thứ hai, Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được vay đến 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Thành phố đã vay 24.000 tỷ đồng, là phần bổ sung rất ý nghĩa đối với thành phố, trong điều kiện ngân sách hạn chế. Nếu TPHCM vay hết mức cho phép thì hiệu quả mang lại sẽ còn lớn hơn.

Thứ ba, lúc đó TPHCM nhận thấy dự án đường Vành đai 3 thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, song không có kinh phí để triển khai. Nghị quyết 54 cho phép thành phố tạm ứng đầu tư trước và Trung ương trả lại sau. Qua thảo luận để triển khai Nghị quyết 54, TPHCM và các bộ đi đến “công thức mới”, dễ làm hơn, là Trung ương một nửa - TPHCM và các tỉnh liên quan một nửa. Như vậy, khi thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM đã chủ động cùng các bộ ngành, các tỉnh liên quan tìm được cơ chế đầu tư dự án đường Vành đai 3 (và có thể là dự án đường Vành đai 4 sau này). Đây là điều rất quan trọng, nếu không, các dự án này sẽ tiếp tục chậm trễ nữa.

Thứ tư, chúng ta thấy tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM chỉ 18% là thấp quá. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đã cho chủ trương tăng tỷ lệ để lại cho TPHCM, nhưng từ năm 2012 đến năm 2021, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM không tăng mà lại giảm. Lần này, TPHCM thuyết minh và được Quốc hội chấp thuận điều chỉnh tăng thành 21%. Việc này sẽ tạo thêm nguồn lực cho TPHCM trong năm 2022 và là tiền đề cho những năm tiếp theo.

Thứ năm, 5 năm qua, TPHCM đã phân cấp 85 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM cho các sở, giám đốc sở, UBND quận huyện và Chủ tịch UBND quận huyện, giúp cho việc giải quyết yêu cầu của hàng triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhanh hơn.

Thứ sáu, TPHCM chi thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thêm 0,6 rồi 1,2 lần (mức Quốc hội cho phép là được tăng thêm 1,8 lần) là sự động viên lớn đối với cán bộ, công chức. Bởi vì cán bộ, công chức của thành phố làm việc với cường độ rất cao (do đặc điểm về dân số, về kinh tế), nhưng nếu vẫn chi trả mức bình quân thì không động viên được cán bộ, công chức làm việc, nhất là trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19.

Đó là những nội dung được TPHCM tập trung thực hiện, đã phát huy tác dụng tốt để thành phố phát triển và vượt qua đại dịch Covid-19.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 7

- Tuy nhiên, còn nhiều nội dung TPHCM chưa đạt được như mong muốn?

- Có hai nội dung, TPHCM chỉ thực hiện đạt kết quả được một phần. TPHCM đã quyết định danh mục 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Tuy nhiên, sau đó chỉ 15 dự án (chiếm 70% tổng diện tích chuyển đổi) được triển khai và có đến 17 dự án không triển khai được. Tương tự, trong 6 dự án nhóm A, TPHCM được quyết định chủ trương đầu tư có 3 dự án đang triển khai với tiến độ chậm, 3 dự án phải rút khỏi danh sách vì không có vốn hoặc gặp vướng về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 8

Còn 4 giải pháp tạo nguồn lực tài chính bổ sung cho TPHCM đều chưa thực hiện được. Thứ nhất, số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được để lại thành phố, nhưng suốt 5 năm, TPHCM không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào, do hướng dẫn của Trung ương chậm quá. Đến năm 2021, Trung ương mới có hướng dẫn, từ đó TPHCM mới có căn cứ xây dựng phương án cổ phần hóa. Cũng phải nói rõ, TPHCM liên tục hàng năm kiến nghị nhưng không được hướng dẫn kịp thời, dẫn đến thực hiện chậm trễ.

Thứ hai, trong suốt sau 5 năm, việc bán tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn theo chủ trương của Chính phủ không thực hiện được, nên TPHCM cũng không được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất. Thực tế, cơ sở nhà, đất diện này trên địa bàn thành phố khá nhiều, TPHCM cũng đã 3 năm liền kiến nghị các cơ quan Trung ương thực hiện thủ tục bán, chuyển nhượng, song không có kết quả.

Thứ ba, Nghị quyết 54 quy định khi doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thì phần vốn thoái được chuyển về ngân sách thành phố để sử dụng cho đầu tư phát triển. Nhưng theo quy định hiện hành, khi thoái vốn thì vốn được thoái lại chuyển cho chủ sở hữu -  công ty mẹ, chứ không phải cho UBND TPHCM.

Thứ tư, Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được hưởng 100% phần thu vượt. Mỗi năm, TPHCM hầu như đều thu vượt kế hoạch, nhưng trong cơ cấu có nguồn thu TPHCM được hưởng 100%, có nguồn nộp toàn bộ về Trung ương và có nguồn thì phân bổ giữa Trung ương với địa phương. Khi xem xét tổng thể cả 3 nguồn thu như vậy, TPHCM không được thưởng thu vượt.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 9

- Từ kết quả thực hiện thời gian qua, đồng chí có đề xuất gì mang tính nguyên tắc trong việc tiếp tục có cơ chế, chính sách cho TPHCM trong thời gian tới?

- Trước tiên, để có được những kiến nghị về các giải pháp phù hợp trong thời gian tới thì phải dựa trên những nhận thức sâu sắc về đặc điểm của TPHCM cùng bài học trong thời gian qua.

Nhìn lại quá trình phát triển của TPHCM cho thấy có những đặc điểm nổi bật. Đây vừa là đặc thù, vừa là lợi thế nhưng cũng có thể là khó khăn, thách thức rất lớn. Vì thế, các đề xuất, kiến nghị thực hiện các giải pháp phát triển đối với TPHCM phải dựa trên xem xét, nhận thức sâu sắc các đặc thù của thành phố, qua đó phát huy mặt tích cực và giải quyết thực chất các thách thức. Nghĩa là, những nội dung vừa qua đã thực hiện tốt thì cần tiếp tục, đồng thời bổ sung những cơ chế, chính sách mới giải quyết vấn đề của TPHCM mà Nghị quyết 54 chưa đề cập, như biên chế, sự quá tải của bộ máy hành chính và đầu tư cho TP Thủ Đức để nhanh chóng phát huy vai trò đô thị sáng tạo, thành phố trí tuệ nhân tạo, một cực tăng trưởng mới của TPHCM và vùng Đông Nam bộ.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 10

- Việc phân cấp mang lại kết quả đáng ghi nhận cần được đẩy mạnh như thế nào, nhằm tăng tính chủ động cho địa phương, giải quyết việc dân nhanh hơn cũng như giảm tải cho cấp trên?

- Phân cấp quản lý là rất cần thiết, cần được thực hiện mạnh hơn nữa, nhưng phải có nguyên tắc, điều kiện. Các điều kiện phải đảm bảo là: TPHCM có bộ máy đủ năng lực chuyên môn, đủ điều kiện thực hiện những nhiệm vụ của Trung ương phân cấp và phải duy trì báo cáo định kỳ cho các cơ quan đã ủy quyền cho thành phố. Đặc biệt, khi đề xuất phân cấp thì áp dụng ở những loại công việc diễn ra với tần suất cao, giảm tải cho các bộ ngành, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch quốc gia và đề xuất những việc mà TPHCM có điều kiện làm tốt hơn, nhanh hơn so với các cơ quan Trung ương.

- Còn tình trạng quá tải ở bộ máy quản lý hành chính cần giải quyết theo hướng nào, thưa đồng chí?

- Bộ máy quản lý hành chính phải tương thích với nhiệm vụ quản lý, nhất là đối với các đô thị lớn, dân số cao, kinh tế phát triển, chứ không cào bằng, gây cản trở phát triển. Dân số bình quân các quận huyện ở TPHCM là 420.000 dân, gấp 3 lần bình quân cả nước (140.000 dân) và cường độ hoạt động kinh tế của thành phố gấp 35 lần cả nước (giá trị gia tăng bình quân được tạo ra trên 1km2 ở TPHCM gấp 35 lần giá trị bình quân cả nước). Cho nên, ở quận huyện nào, phường xã nào có dân số hơn gấp đôi mức bình quân của cả nước (định mức) thì cần được tăng thêm biên chế. Không phải cứ cao hơn là tăng, mà dân số phải cao hơn 200% trở lên mới bổ sung biên chế với số lượng phù hợp cho từng mốc: vượt gấp 3 lần, gấp 4 lần hoặc gấp 5 lần định mức.

Song song với đề xuất tăng biên chế, TPHCM cũng phải có cam kết phấn đấu cải thiện môi trường đầu tư và duy trì năng suất lao động cao hơn 2,5 lần bình quân cả nước. Tức là tăng biên chế phải đi đôi với nghĩa vụ cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thêm nhiều nguồn lực xã hội và duy trì sự vượt trội về năng suất lao động để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của TPHCM và cả nước.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 11

- Vậy lời giải cho bài toán thiếu nguồn lực đầu tư phát triển cần được xem xét ra sao?

- TPHCM cần tiếp tục đề xuất các cơ chế tạo nguồn lực như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán nhà đất của cơ quan Trung ương trên địa bàn… nhưng cần gắn bó trách nhiệm hai bên. Đồng thời, TPHCM có thể đề xuất vay vốn đầu tư phát triển với tỷ lệ cao hơn mức 90%, được vay đến 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. TPHCM có hiệu quả thu chi ngân sách lớn nhất cả nước: cứ chi 1 đồng ngân sách thì thu về được 4 đồng. Cho nên, nếu vay đến 120% thì TPHCM vẫn có khả năng trả. Trong đó, khoản vay này chỉ dùng chi đầu tư phát triển, có sự ưu tiên đầu tư hạ tầng kinh tế 4.0 của TP Thủ Đức (hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao giai đoạn 2, các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, khu thử nghiệm thiết bị và công nghệ mới) nhằm tạo đột phá phát triển và lan tỏa.

- Trên thực tế, giá trị pháp lý của một nghị quyết không thể vượt các điều luật, trong cách làm cần có hướng tiếp cận mới gì để mang lại những kết quả tích cực hơn?

- Chúng ta cần phải thay đổi cách phối hợp, báo cáo và quyết liệt đeo bám các cơ quan Trung ương trong việc triển khai. Ví dụ, các năm 2018, 2019, 2020, TPHCM đều kiến nghị có hướng dẫn về việc tính giá đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến cuối năm 2021 mới có hướng dẫn. Do đó, TPHCM cần quyết liệt hơn trong đeo bám, thậm chí mỗi quý “nhắc” một lần, cho đến khi có kết quả, chứ không chỉ một năm kiến nghị một lần.

Đồng thời nên đề xuất mỗi quý, Chính phủ chủ trì một cuộc họp với TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đây là 5 thành phố đều đang thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù do Quốc hội quyết định. Việc mỗi quý có một cuộc họp là để Chính phủ nghe 5 thành phố phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù và Chính phủ kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Ngoài ra, mỗi một năm cần sơ kết để rút kinh nghiệm, báo cáo Quốc hội và khi cần thiết thì bổ sung, điều chỉnh.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 12

- Ở góc độ của TPHCM cần có những điều chỉnh gì từ việc chỉ đạo, triển khai thực hiện lẫn kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, góp phần thực hiện cơ chế chính sách đặc thù hiệu quả hơn?

- Thực tế có những nội dụng liên quan đến thẩm quyền của TPHCM nhưng chưa được thực hiện tốt, như nhiệm vụ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh. Kết quả không đạt được, thậm chí còn kém hơn. Nhiệm kỳ 2011-2015 và nhiệm kỳ 2016-2021, TPHCM đều đặt mục tiêu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM vào top 5 địa phương tốt nhất cả nước nhưng không đạt được và hiện nay đứng thứ 14. Chỉ số cải cách hành chính địa phương (Par Index) của TPHCM nhiều năm bị tụt hạng, năm 2021 đứng thứ 43/63.

Do đó, việc triển khai của các cấp chính quyền phải quyết liệt hơn. Cấp ủy cần kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn. Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam cũng cần kịp thời hơn, cụ thể hơn, rõ địa chỉ cần khắc phục. Kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cần được đề cập trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng tháng của UBND TPHCM; báo cáo hàng quý và 6 tháng gửi HĐND TPHCM để đảm bảo được sự lãnh đạo kịp thời và có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với Chính phủ.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 13
Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 14

Đặc biệt, TPHCM cần có các cam kết mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của toàn hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách đặc thù, xứng đáng với sự tin cậy của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ. Đó là việc cam kết tiếp tục dẫn đầu cả nước về năng suất lao động. Cam kết đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nằm trong top 5 của cả nước. Đó là cam kết với Trung ương Đảng, với Quốc hội và Chính phủ về việc thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và giám sát, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân”, như đã được khẳng định trong Hiến pháp của nước ta.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 15
Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 16

Nhìn lại quá trình phát triển của TPHCM cho thấy có những đặc điểm nổi bật. Đây vừa là đặc thù, vừa là lợi thế nhưng cũng có thể là khó khăn, thách thức rất lớn. Vì thế, các đề xuất, kiến nghị thực hiện các giải pháp phát triển đối với TPHCM phải dựa trên xem xét, nhận thức sâu sắc các đặc thù của TPHCM.

Trong nhiều đặc thù của TPHCM cần quan tâm đặc biệt 7 đặc thù sau đây khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực cho phát triển thành phố.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 17

Đặc điểm nổi bật và là niềm tự hào khi TPHCM là trung tâm kinh tế có năng suất lao động cao nhất cả nước. Thành phố có năng suất lao động bình quân cao hơn 2,7 lần cả nước trong suốt 10 năm qua. Năng suất cao thể hiện rõ sự sáng tạo của người dân, sự đầu tư đổi mới công nghệ cùng sự sáng tạo của doanh nghiệp, của chính quyền và Đảng bộ TPHCM.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 18

TPHCM có số dân chiếm khoảng 9,2% cả nước và có số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 8,6% lao động cả nước, nhưng đóng góp khoảng 22-23% vào GDP cả nước. TPHCM là trung tâm kinh tế quy mô lớn nhất cả nước không phải chỉ vì dân số lớn nhất, mà vì năng suất cao nhất. Đó là giá trị, là đóng góp lớn của TPHCM đối với cả nước, cần tiếp tục được duy trì.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 19

Trên cả nước, bình quân mỗi quận huyện có 140.000 dân, còn ở TPHCM là gần 420.000 dân, gần gấp 3 lần mức bình quân của cả nước. Bộ máy hành chính mỗi quận, huyện ở TPHCM bình quân phải phục vụ số dân gấp 3 lần bộ máy hành chính của quận huyện cả nước.

Trên 1km2 của TPHCM có giá trị gia tăng được tạo ra gấp 35 lần bình quân cả nước. Điều đó có nghĩa là các giao dịch kinh tế, vận chuyển hàng hóa, lao động lớn hơn nhiều so với bình quân cả nước và trách nhiệm phục vụ của bộ máy chính quyền là rất lớn.

Cho nên dù TPHCM nỗ lực thực hiện tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng cũng chỉ bù được một phần. Với số dân và cường độ hoạt động kinh tế quá cao thì phải có biên chế phù hợp, nếu không tình trạng quá tải vẫn tiếp tục, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và sức khỏe của công chức. Các chỉ số về cải cách hành chính của TPHCM thời gian quan chưa cải thiện được cũng có lý do một phần từ nguyên nhân quá tải.

TPHCM có 10 quận huyện có khoảng 500.000 dân trở lên. Không thể có bộ máy hành chính phục vụ dân số gấp 3-5 lần mà chất lượng như một lần. Quy mô cán bộ công chức phục vụ phải tương thích với dân số và cường độ hoạt động kinh tế trên địa bàn.

Nghị quyết 54 cho phép tăng thu nhập nhưng không đề cập đến việc tăng biên chế khi số lượng người dân mà bộ máy hành chính phải phục vụ tăng hơn 3-5 lần mức bình quân cả nước và cường độ hoạt đông kinh tế ở TPHCM gấp 35 lần bình quân cả nước.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 20

TPHCM đóng góp từ 26-27% ngân sách cả nước, nhưng là địa phương có tỷ lệ ngân sách giữ lại để chi cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường… thấp nhất cả nước (chi ngân sách/thu ngân sách khoảng 20%). Đây là nguyên nhân làm cho TPHCM không đủ kinh phí để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, giải quyết ùn tắc giao thông và ngập nước kéo dài.

Dự toán ngân sách của Trung ương năm 2020 cho thấy, ngân sách thành phố chi ra 1 đồng thì thu về hơn 4 đồng. Đây là tỷ lệ cao nhất cả nước, thể hiện rõ hiệu quả thu - chi ngân sách của TPHCM là cao nhất cả nước. Nếu để lại cho TPHCM chi ngân sách nhiều hơn thì thu ngân sách thành phố sẽ càng lớn hơn, do đó đóng góp về ngân sách Trung ương càng cao hơn.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 21

TPHCM là trung tâm giao thông lớn nhất cả nước, có cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng container Cát Lái lớn nhất cả nước. Nhưng hệ thống giao thông đô thị rất yếu kém. Đối với đô thị, quy chuẩn là trên 1km2 phải có 10km đường, nhưng TPHCM chỉ có 2,3 km đường, trong khi Hà Nội có 6,2km đường. Ngoài ra, theo quy chuẩn phải dành 23% đất đô thị để làm đường, công trình liên quan, nhưng tỷ lệ này của TPHCM hiện chỉ có 10%. Đường thiếu, đất dành cho giao thông cũng thiếu và chỉ từ nguồn ngân sách mới giải quyết được.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 22

Năm 2020, bình quân 1 phụ nữ trên cả nước sinh 2,1 con trong đời người, đảm bảo thay thế được 2 người là cha và mẹ. Nhưng tại TPHCM, bình quân 1 phụ nữ chỉ sinh 1,4 con, không thay thế được cha và mẹ khi qua đời. Nếu không có người nhập cư từ các địa phương khác, dân số TPHCM, lao động TPHCM sẽ càng ngày teo đi.

Nhận diện rõ đặc thù, đề xuất cơ chế để TPHCM phát triển đột phá ảnh 23

Nơi chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nghiêm trọng  và có mức độ lún mặt đất bình quân hơn 2 cm/năm, làm gia tăng ngập lụt. Thành phố là nơi có nguy cơ ngập lụt cao thuộc loại cao nhất cả nước. Muốn chống ngập thì phải từ nguồn ngân sách, nhưng lâu nay đang thiếu kinh phí thực hiện. Đây là một thách thức của một siêu đô thị ven biển Đông.

Các tin khác