Nhận diện rủi ro với DNNVV

Cả nước hiện có trên 500.000 DN nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% tổng số DN, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 121 tỷ USD (chiếm trên 30% tổng vốn DN cả nước) hàng năm đóng góp hơn 40% cho GDP, 33% sản lượng công nghiệp, 30% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các DNNVV còn tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo. Tuy vậy các DNNVV đang phải đối diện nhiều rủi ro.

Cả nước hiện có trên 500.000 DN nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% tổng số DN, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 121 tỷ USD (chiếm trên 30% tổng vốn DN cả nước) hàng năm đóng góp hơn 40% cho GDP, 33% sản lượng công nghiệp, 30% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các DNNVV còn tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo. Tuy vậy các DNNVV đang phải đối diện nhiều rủi ro.

Nhiều điểm yếu

Các DNNVV bộc lộ nhiều điểm yếu hết sức cơ bản như sau. Đa số đều yếu về năng lực tổ chức, điều hành và quản lý DN. Cơ động nhưng thiếu nền tảng vững chắc, chiến lược kinh doanh chưa được xem trọng. Kỹ năng phân tích thị trường, phân tích sản phẩm còn hạn chế nên năng lực cạnh tranh chưa cao. Sản phẩm làm ra chất lượng còn thấp, mẫu mã còn nghèo nàn và sao chép.

Khả năng tiếp cận thị trường kém nên sản phẩm khó cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài. Thiết bị sản xuất cũ kỹ, công nghệ lạc hậu làm hạn chế việc tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.

Do không quen cập nhật thông tin nên khả năng tiếp cận các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh như cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm… và các chương trình hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật của Nhà nước tổ chức chưa được quan tâm đúng mức.

Từ đó nguồn nhân lực tại chỗ chưa thể đáp ứng nhu cầu mới trong nền kinh tế hội nhập. Có tới 63% DNNVV không tuyển dụng được người tài, 55% khó khăn trong việc giữ chân người có năng lực.

Do DNNVV thường ít quan tâm đến luật pháp, các chính sách Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật nên dẫn đến yếu kém và sai sót trong quá trình điều hành, quản lý. Cụ thể, hoạt động của các DNNVV thường chưa có sự minh bạch về tài chính, chưa khai báo thuế nghiêm túc, không chứng minh được quyền sở hữu tài sản, để thua lỗ kéo dài, phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu…

Công tác tổ chức điều hành quản trị còn hạn chế, phổ biến mang tính gia đình, đa số đều từ cảm tính chưa quen với việc sử dụng dịch vụ tư vấn. Vì vậy, báo cáo tài chính sơ sài, chưa minh bạch, số liệu chưa chính xác, còn mang tính đối phó, ý thức chấp hành luật thuế chưa cao… nên chưa tạo được niềm tin với tổ chức tín dụng. Từ thực tiễn còn cho thấy nguồn vốn của các DNNVV thường được huy động phi chính thức nên chi phí trả lãi vay lớn chiếm tỷ trọng cao trong giá thành và mức độ rủi ro cao.

Có nhiều DNNVV đã vay vốn ngắn hạn tại ngân hàng để đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị (đáng lẽ phải được vay dài hạn). Do nôn nóng đầu tư hay hiểu sai mục đích đầu tư đã dẫn đến nhiều sai lầm hết sức tai hại.

Nguyên nhân là bản thân DN chưa quen với việc lập phương án sản xuất kinh doanh và lập dự án đầu tư. Đây là khó khăn lớn cho DNNVV khi lập hồ sơ để các tổ chức tín dụng xem xét cho vay.

Làm gì để vượt khó? 

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng và giá xăng dầu đều cao, cùng nhiều biến động khác của thị trường, để đứng vững và vượt khó là một thách thức vô cùng to lớn với các DNNVV Việt Nam.

Trong năm 2008, do không đủ lượng tiền mặt nên các ngân hàng thương mại đã hạn chế cho DN vay vốn trong ngắn hạn (trung và dài hạn càng không thể vay được). Thậm chí, có ngân hàng khi thu hồi vốn đến hạn không cho DN vay tiếp.

Do vậy các DN có thói quen vay vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn, có nhiều DN phá sản. Tình hình năm 2011 không phải kịch bản của năm 2008, mà có thể là quá trình tích lũy của năm 2008, việc ngân hàng áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, tình hình lạm phát cao và kéo dài đã dẫn đến lãi suất huy động và cho vay cao, cũng dẫn đến hậu quả tương tự năm 2008 với một số DN có thói quen vay vốn tín dụng.

Những nhà cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa dịch vụ đầu vào cũng là DN. Tình hình lạm phát leo thang, lãi tiền vay tăng cao, hoạt động của nhà cung ứng bị ảnh hưởng, có thể giảm chất lượng các sản phẩm cung ứng, đình trệ sản xuất và khó khăn trong việc thực hiện cam kết cung ứng theo hợp đồng.

Khi giá cả hàng hóa tăng cao. Sức mua của thị trường chắc chắn giảm sút, tiêu thụ hàng hóa của nhiều ngành hàng sụt giảm bởi cơ cấu tiêu dùng chuyển sang các mặt hàng thiết yếu. Khi doanh thu giảm kéo dài, chi phí lãi vay gia tăng, dòng tiền vào không đủ đáp ứng các chi phí cần thiết, các khoản nợ phải thu ngày một tăng cao, DNNVV có thể thua lỗ và phá sản.

Để ứng phó với các nguy cơ đó, DNNVV cần phải kiểm tra đánh giá lại các nguồn lực hiện hữu, xác định lại kế hoạch và mục tiêu DN, thẩm định, thực hiện và đánh giá kế hoạch. Quản trị rủi ro là một quá trình tổ chức và thực hiện việc xác định, kiểm tra, giám sát, đánh giá các rủi ro có thể ảnh hưởng đến những kế hoạch, mục tiêu của DN.

Cần kiểm tra các câu hỏi: Với các biện pháp đã thực hiện có làm hài lòng không? Có cách nào tốt hơn không? Có nhận định được những mắt xích nào yếu nhất không? Còn những vấn đề gì chưa được chuẩn bị? Bài học kinh nghiệm thực tiễn được rút ra là gì?

DN hãy chọn nhà tư vấn có uy tín và đạo đức; thận trọng trong việc sử dụng vốn vay; kiểm soát chặt chẽ các chi phí và loại ngay khoản chi tiêu lãng phí. Sáng suốt trong việc ra quyết định đầu tư; dừng hoặc hoãn việc triển khai các dự án đầu tư có vốn lớn nhưng chưa cần thiết.

Các tin khác