Nhan nhản lớp dạy làm giàu, kêu gọi đầu tư: Nguy cơ sụt hố lừa như vụ Mr Pips

(ĐTTCO)-Từ vụ Tiktoker Mr Pips lừa đảo, các chuyên gia khuyến cáo những hệ lụy liên quan đến các lớp học dạy làm giàu, kêu gọi đầu tư đang mọc lên nhan nhản.

Ngày càng có nhiều lớp học dạy làm giàu, kêu gọi đầu tư được mở ra, thu hút đông người tham gia. (Ảnh minh họa: CAND)
Ngày càng có nhiều lớp học dạy làm giàu, kêu gọi đầu tư được mở ra, thu hút đông người tham gia. (Ảnh minh họa: CAND)

Càng lợi nhuận "khủng" càng dễ là lừa đào

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cảnh báo: "Ví dụ dễ hiểu nhất là hiện tại lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức khoảng 6%/năm, mức lãi suất này thậm chí còn có thể điều chỉnh theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng mà không phải là cố định. Vậy nên, nếu kênh đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận lên đến 15-20% thì đã có vấn đề, chứ đừng nói hứa hẹn lợi nhuận lên đến 50 - 100% là vô lý. Càng hứa hẹn lợi nhuận cao, càng có nguy cơ cao là lừa đảo.

Nếu người ta có thể trả cho nhà đầu tư lợi nhuận 20%/năm thì chắc chắn người ta phải sử dụng nguồn lực của nhà đầu tư để làm ăn, kinh doanh mang về lợi nhuận 40 - 50%. Chứ không đời nào người ta kiếm được hơn 20% một chút mà người ta trả 20% lợi nhuận cho nhà đầu tư”.

“Vì sao lại có thể gửi gắm hàng tỷ đồng cho người mà mình không quen biết, không hiểu rõ về họ, không có căn cứ nào đảm bảo cho việc họ sử dụng tiền của mình ra sao để kiếm lời. Các nhà đầu tư không nên tự chui vào bẫy, đặt rủi ro của mình lên cao như thế. Nếu có thể, hãy tìm hiểu thật kỹ thị trường, trang bị cho mình các kiến thức để có thể tự đầu tư một cách hiệu quả nhất”, ông Thịnh khuyến cáo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cũng phân tích, hiện nay, các khóa học làm giàu và kêu gọi đầu tư trên mạng xã hội đang ngày càng phổ biến, nhưng đi kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn về lừa đảo. Người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước những lời mời gọi hấp dẫn.

Đầu tiên, các chiêu trò thường đánh vào tâm lý ham làm giàu nhanh. Nhiều người mong muốn "đổi đời" nên dễ bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn "lợi nhuận khủng", "làm giàu không khó" và không đủ tỉnh táo để kiểm tra tính hợp pháp của các khóa học hoặc dự án đầu tư.

Thủ đoạn tiếp theo, kẻ xấu thường sử dụng các hình ảnh hào nhoáng "ảo" để tạo niềm tin như đi xe sang, sống trong biệt thự, đi du lịch xa hoa. Những hình ảnh này khiến nạn nhân tin rằng phương pháp của họ đã mang lại thành công thực sự.

Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng các chiêu trò tâm lý và truyền thông mạnh mẽ, thường là tạo cảm giác "sắp hết chỗ", "ưu đãi giới hạn thời gian" để thúc giục người khác tham gia. Đồng thời, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội giúp tăng độ phủ sóng và tạo hiệu ứng đám đông.

Quan trọng nhất, các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp lý của người dân để dụ dỗ. Nhiều người không nắm rõ các quy định về đầu tư và kinh doanh nên dễ bị các đối tượng lừa đảo thông qua những cam kết không rõ ràng hoặc hợp đồng có điều khoản bất lợi.

Cuối cùng, các đối tượng lừa đảo hoạt động linh hoạt trên các nền tảng mạng xã hội, dễ dàng xóa dấu vết hoặc thay đổi thông tin khi bị nghi ngờ, khiến việc truy cứu và xử lý trở nên khó khăn.

Do đó, chuyên gia Ngô Trí Long khuyến cáo, nhà đầu tư nên kiểm tra thông tin kỹ lưỡng, không tin tưởng hoàn toàn vào những thông tin trên mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân trước khi tham gia.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch, thời gian qua công ty luật của ông nhận được rất nhiều đơn thư của các nạn nhân bị lừa đảo khi tham gia lớp học làm giàu và kêu gọi đầu tư theo nhiều hình thức khác nhau. Tình trạng lừa đảo qua hình thức này ngày càng nở rộ bởi 3 nguyên nhân chủ yếu.

Đầu tiên là nhận thức của người dân mang tiền đi đầu tư tài chính nhưng lại đi ngược lại với quy luật tài chính. Họ không nhận thức được là không có quy luật tài chính của một quốc gia nào, hay một sản phẩm tài chính của quốc gia nào đem lại lợi nhuận khủng khiếp tới 15 -18%, thậm chí là 20%/tháng.

Nguyên nhân thứ hai đến từ việc Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động đầu tư tiền ảo trên không gian mạng, hoạt động quan hệ pháp luật mới phát sinh ở Việt Nam trong vài năm gần đây.

Từ đó dẫn đến nguyên nhân thứ ba là các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thu được nguồn lợi bất chính lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng rất ít vụ việc được xử lý triệt để, mang tính răn đe giáo dục đối với xã hội.

Luật sư Tuấn Anh phân tích: “Thực trạng này đánh vào lòng tham của kẻ xấu, họ thấy lừa dễ quá, chỉ tổ chức một vài hội thảo, lập một trang web đã có thể thu hút hàng nghìn tỷ đồng của các bị hại. Vì thế hết sàn này sập lại đến sàn khác nổi lên và vẫn có thể lừa được những người dân nhẹ dạ, cả tin, ham làm giàu nhanh chóng".

Ông Tuấn Anh đề xuất, nếu như hiện tại chưa có được hành lang pháp lý cụ thể thì cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để tuyên tuyền, giáo dục pháp luật hoặc là cảnh báo người dân không tham gia vào những hoạt động như vậy.

"Bóc trần" loạt vụ lừa đảo nhà đầu tư

Mới đây, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips; SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và 24 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền”.

Theo cơ quan điều tra, từ khoảng năm 2019, Nam cùng Ngọ cấu kết với một nhóm đối tượng người nước ngoài để tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp.

Các đối tượng đặt một công ty tại TP.HCM làm bình phong và khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam (gồm 24 văn phòng ở Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành khác). Công ty này không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Những trang mạng này về bản chất đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý. Mỗi sàn giao dịch đều kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.

Thủ đoạn của đường dây này là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Ban đầu, Nam và đồng phạm dụ dỗ khách giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi rồi rút tiền được.

Sau đó, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch. Khi nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật để họ tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Cho đến khi khách không còn khả năng về tài chính, nhóm lừa đảo chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Tiktoker Mr Pips (Phó Đức Nam) nổi tiếng với những video khoe cuộc sống xa hoa và dạy kiếm tiền đã bị khởi tố về tội lừa đảo.

Tiktoker Mr Pips (Phó Đức Nam) nổi tiếng với những video khoe cuộc sống xa hoa và dạy kiếm tiền đã bị khởi tố về tội lừa đảo.

Trước đó, các trang mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin sai lệch, lợi dụng hình ảnh của các chuyên gia tài chính và logo của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) để kêu gọi tham gia các hội nhóm và khóa học đầu tư chứng khoán. TS. Cấn Văn Lực, TS. Trần Đình Thiên và ông Phạm Lê Thái là những chuyên gia kinh tế uy tín bị mạo danh nhằm tạo lòng tin cho các chương trình giả mạo này.

Trước tình hình này, VNX đã khẳng định cơ quan này, cùng với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), không liên quan đến bất kỳ chương trình giảng dạy hay nhóm đầu tư chứng khoán nào. VNX đồng thời đưa ra khuyến cáo, nhấn mạnh nhà đầu tư cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định tham gia các hoạt động đầu tư chứng khoán.

Các chiêu trò lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn khi công nghệ AI được sử dụng để giả mạo hình ảnh và giọng nói của các lãnh đạo doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán lớn như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ nhà đầu tư khỏi các hành vi gian lận ngày càng phức tạp.

Trước đó, thời điểm tháng 4/2023, TAND Hà Nội tuyên án chung thân đối với bị cáo Phạm Thanh Hải, 57 tuổi, cựu chủ tịch Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT), bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hải được biết đến là "tiến sĩ dạy làm giàu" bị cơ quan công tố cáo buộc mở lớp dạy làm giàu để dụ hơn 2.500 người góp vốn với cam kết trả lãi 50%/năm, rồi chiếm đoạt 576 tỉ đồng.

Ông thành lập và làm Chủ tịch HĐQT IDT từ năm 2007, hoạt động nhiều lĩnh vực song không hiệu quả. Một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức hội thảo dạy làm giàu.

Trong các buổi học, ông giới thiệu là tiến sĩ, nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô. Ông quảng bá IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây công nghiệp "tỷ đô" macca, có siêu dự án... Ai góp vốn sẽ được trả lãi suất 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền.

Nhà chức trách cáo buộc, hợp đồng đều sử dụng con dấu của IDT song thực chất là góp vốn cho cá nhân ông Hải. Việc sử dụng số tiền này ra sao, ông không cho nhà đầu tư biết.

Ông Hải được xác định chỉ dùng 99 tỷ đồng trong hơn 2.700 tỷ đồng huy động được (tức 3,6%) để góp vào 9 dự án "chưa có lợi nhuận, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao". Ông Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các "nhà đầu tư" này, tổng hơn 576 tỷ đồng.

Các tin khác