Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối đầu với khủng hoảng tài chính, nợ nần, tham nhũng, khủng bố, hận thù sắc tộc, Singapore vẫn ổn định và phát triển thịnh vượng, người dân thuộc nhiều thành phần sắc tộc, tôn giáo, văn hóa vẫn chung sống hòa bình.
Điều gì đã giúp đảo quốc nhỏ bé nghèo tài nguyên thiên nhiên sánh vai với các cường quốc phát triển, thu hút hàng triệu du khách nước ngoài và hội tụ nhân tài từ 5 châu 4 biển?
Giải đáp cho thắc mắc này, các chuyên gia nói nhiều về 2 nhân tố quan trọng là thể chế và con người, mà người viết xin được tóm tắt trong 3 chữ cái C trong tiếng Anh là Constitution (Hiến pháp), Co-operation (Hợp tác) và Courage (Dũng cảm).
Singapore kế thừa khá trọn vẹn và chọn lọc hệ thống luật pháp của người Anh, trong đó xây dựng Hiến pháp thành văn (Written Constitution) làm khuôn khổ căn bản cho guồng máy vận hành của nhà nước.
Tuy nhiên, Hiến pháp Singapore không phải là bản sao chép mô hình dân chủ đại nghị Westminter của Vương quốc Anh, mà đã có nhiều điều chỉnh.
Thí dụ, hệ thống bầu cử theo nhóm đại diện (GRC) là sáng tạo của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) để phục vụ một xã hội đa nguyên, nhưng vẫn đảm bảo tiếng nói của các sắc tộc thiểu số. PAP đã có những tác động rất khôn ngoan trong quá trình điều chỉnh hiến pháp nhằm tăng cường quyền lực của mình, trong lúc cho phép các đảng phái đối lập khác tham gia cuộc chơi chính trường dân chủ và sòng phẳng.
Singapore hàng năm thu hút hàng chục triệu du khách nước ngoài đến tham quan. |
Với hiến pháp lô gíc, minh bạch và luôn được đổi mới phù hợp với thực tiễn và một chính đảng cầm quyền chính danh sau mỗi kỳ bầu cử, hầu hết chính sách của Nhà nước Singapore được sự hợp tác chặt chẽ của người dân. Ở Singapore, có lẽ từ Hợp tác (Co-operation) hơi sáo ngữ nên chính phủ hay dùng từ Co-payment (Cùng nhau trả tiền), mà theo cách nói của Việt Nam ta là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Đáng lưu ý là ở một quốc gia có ngân sách dồi dào và GDP đầu người không dưới 50.000USD nhưng hầu như không có dịch vụ công nào là miễn phí. Trên các phương tiện giao thông công cộng, cho dù đó là người già, tàn tật, trẻ em.. tất cả đều có trách nhiệm trả tiền đúng đến từng xu.
Theo triết lý của các nhà lãnh đạo Singapore, những thứ gì miễn phí thường bị lạm dụng. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết công dân Singapore làm mất chứng minh thư lần đầu thì lệ phí là 100SGD, lần thứ hai hay sau đó là 300SGD và phải chờ trong 3 tháng.
Càng ngạc nhiên hơn khi một quốc gia văn minh như Singapore vẫn còn hình phạt đánh roi và tử hình bằng cách treo cổ. Nhiều người nói đùa rằng Singapore là một “fine country”, vì tiếng Anh “fine” vừa có nghĩa là “tốt” vừa có nghĩa là “phạt”.
Sự hợp tác của người dân với thể chế và luật pháp cũng không phải là thứ miễn phí mà nó đòi hỏi sự dũng cảm (Courage) của một đảng cầm quyền trong sạch và vững mạnh dám nhìn thẳng vào thực tế khách quan và luôn làm mới mình.
Khi một bộ phận không nhỏ người dân than phiền về mức lương quá cao của bộ trưởng, mặc dù vẫn trung thành với nguyên tắc trả công xứng đáng cho những ai làm cho bộ máy công quyền, chính phủ PAP đã không ngần ngại cắt giảm lương để phù hợp với tình hình mới.
Tuy không quy định rõ những gì được hay cấm làm trong điều lệ, tất cả các đảng viên PAP đều phải chứng tỏ mình thuộc tầng lớp ưu tú, có đạo đức trong sạch và chấp hành luật pháp.
Mới đây, PAP đã phải đau đớn chấp nhận đơn từ chức Chủ tịch Quốc hội của đảng viên Michael Palmer do quan hệ ngoài hôn nhân với một viên chức nhà nước.
Năm 1986, chắc hẳn Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vào lúc đó phải có trái tim bằng thép mới có thể ký lệnh điều tra bạn của mình là Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Teh Cheang Wan vì tội tham nhũng.
Ông này bị cáo buộc đã nhận hối lộ 2 lần, mỗi lần 500.000SGD để chuyển quyền sử dụng đất công cho các nhà đầu tư tư nhân. Nghe nói ông đã xin gặp Lý Quang Diệu để giải thích về vấn đề của mình nhưng bị từ chối và cuối cùng ông đã tự sát trước khi tòa đưa ra xử.