Hôm qua 11-4, tại buổi họp báo công bố các giải pháp điều hành lãi suất và tín dụng tổ chức ở Hà Nội, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết với việc giảm trần lãi suất huy động VNĐ xuống 12%/năm, trong thời gian tới lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh được ưu tiên sẽ giảm xuống còn khoảng 13-16%/năm. Bên cạnh đó, khoảng 50% đối tượng vay vốn (chủ yếu là bất động sản và tiêu dùng), sẽ được loại trừ ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích cho vay.
Cơ sở giảm lãi suất cho vay
PHÓNG VIÊN: - Xin Thống đốc cho biết cơ sở nào NHNN quyết định giảm trần lãi suất huy động và các lãi suất điều hành của NHNN tại thời điểm này?
Thống đốc NGUYỄN VĂN BÌNH: - Tại phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế vĩ mô trong 3 tháng đầu năm và những ngày đầu tháng 4 đang có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2; CPI 3 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 2,55%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua.
Với diễn biến này, mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2012 ở mức dưới 10% hoàn toàn có thể đạt được. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới cũng có nhiều thuận lợi, các khu vực kinh tế lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản đều đang khởi sắc dù chưa thật vững chắc.
Đó là những tiền đề để chúng ta triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Khoảng 50% đối tượng vay vốn sẽ được loại trừ ra khỏi các lĩnh vực không khuyến khích cho vay. Trong khi đó, NHNN vẫn yêu cầu giữ nguyên tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích tối đa là 16% tổng dư nợ cho vay. Nghĩa là dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích sẽ tăng lên gấp đôi. Ông Nguyễn Văn Bình, |
Vừa qua, có 2 luồng ý kiến về vấn đề điều hành lãi suất. Có ý kiến nhận định năm 2012 sẽ dễ dàng kiềm chế được lạm phát, nên cần giảm lãi suất nhanh hơn nữa; có ý kiến phân tích rằng lạm phát vẫn còn có thể quay trở lại do nhiều yếu tố, nên việc hạ lãi suất cần phải thận trọng.
NHNN đã cân nhắc tất cả các ý kiến trên, kết hợp với phân tích tình hình thực tế và thấy rằng thời điểm này đã đủ cơ sở để giảm lãi suất thêm 1%.
- Bên cạnh việc kiềm chế lạm phát, thanh khoản của hệ thống NH cũng là một điều kiện quan trọng để quyết định giảm lãi suất. Vậy hiện nay tình hình thanh khoản ra sao?
- Từ đầu năm đến nay, thanh khoản của hệ thống NH đã có nhiều cải thiện tích cực. Nếu như trong quý IV-2011, nhu cầu sử dụng nguồn vốn cao hơn nguồn, thì đến nay nguồn vốn đã cao hơn nguồn sử dụng khoảng 130.000 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi của các TCTD tại NHNN hiện nay là 60.000 tỷ đồng, cao hơn tiền gửi dự trữ bắt buộc trước đây khoảng 15.000-20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đã phát hành được trên 30.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) với lãi suất khá thấp, từ 11,25-11,27%/năm, nghĩa là thanh khoản của các TCTD phải tốt mới mua được số lượng lớn như vậy.
Cũng từ đầu năm đến nay NHNN đã phát hành được 45.000 tỷ đồng tín phiếu của NHNN, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào.
Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng
- Thưa Thống đốc, với việc giảm thêm 1% trần lãi suất huy động, liệu mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm theo?
- Trên thực tế, với các giải pháp mà NHNN điều hành, so với quý IV-2011 đến nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2-3%. Hiện nay mức lãi suất cho vay đối với khu vực nông nghiệp nông thôn ở khoảng 14-16%/năm; lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 15-17%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích khoảng 20-25%/năm.
Với việc giảm trần lãi suất huy động xuống 12%/năm từ ngày 11-4, trong thời gian tới lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh được ưu tiên sẽ giảm xuống khoảng 13-16%/năm.
Tại cuộc họp mới đây với NHNN, 14 NHTM hàng đầu Việt Nam đã nhất trí và bày tỏ quan điểm ủng hộ mục tiêu này. Chiều hướng giảm lãi suất cho vay gần như là chắc chắn, nhiều TCTD sẽ đi trước đón đầu để thu hút khách hàng.
- Vừa qua, có nhiều lo ngại việc tín dụng tăng trưởng âm trong quý I sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 mà Chính phủ đã đề ra là 6%. Ý kiến của Thống đốc về vấn đề này?
- Theo số liệu tổng hợp của NHNN, tăng trưởng tín dụng trong tháng 1-2012 của hệ thống NH giảm khoảng hơn 2%, tháng 2 giảm khoảng 0,07% và tháng 3 tăng khoảng hơn 1%. Tính chung từ cuối năm 2011 đến nay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH giảm khoảng hơn 1%.
Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, số liệu thực tế chưa hẳn là như vậy. Cuối năm 2011, có một số TCTD tăng tín dụng “ảo” với mức rất cao để đón đầu chủ trương phân bổ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 của NHNN. Và đến những tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng của các TCTD này đã giảm rất mạnh.
Nếu loại trừ yếu tố “ảo” trong các trường hợp đó, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong quý I chỉ giảm khoảng 0,4%. So với những năm gần đây, đây là con số không quá lớn và đáng ngại. Nếu như trong các tháng còn lại của năm 2012, tín dụng tăng khoảng 1,5-2%/tháng vẫn bảo đảm mục tiêu đề ra là tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15-17%. Qua đó, hỗ trợ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 khoảng 6%.
Mở rộng tín dụng bất động sản
- Cụ thể NHNN có kế hoạch và giải pháp như thế nào để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế?
- Tại Văn bản 2056 ngày 10-4-2012, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định của NHNN; ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, các dự án hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nới lỏng cho vay một số nhóm đối tượng trong các lĩnh vực không khuyến khích cho vay. Trước đây, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng thuộc nhóm không khuyến khích cho vay. Nay cho vay tiêu dùng hầu như đã mở hết, chỉ còn cho vay tiêu dùng ở nước ngoài là không khuyến khích.
![]() |
Nhân viên Sacombank giới thiệu biểu lãi suất mới cho khách hàng. Ảnh: LÃ ANH |
Đối với bất động sản cũng vậy. Từ cuối năm 2011 đến nay đã mở từng bước cho lĩnh vực này. Trước đây chỉ cho vay để mua nhà để ở, đến nay hầu hết các nhu cầu vay vốn thuộc lĩnh vực bất động sản như mua nhà để đầu cơ, đầu tư, cho thuê; cho vay xây dựng nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị… đều được loại trừ khỏi nhóm không khuyến khích cho vay.
Chỉ riêng lĩnh vực chứng khoán, ngoài dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần được loại trừ, hầu hết các nhu cầu vay khác đều không khuyến khích.
Quy định như thế bởi quan điểm của chúng tôi là vốn ngắn hạn không nên cho vay để đầu tư vào kênh huy động vốn trung và dài hạn như thị trường chứng khoán (TTCK), như thế sẽ làm méo mó thị trường tài chính. Khi các vấn đề kinh tế được xử lý tốt, TTCK sẽ khởi sắc, phát triển bền vững chứ không nhất thiết phải “hồng hào” bằng cách các NH đổ tiền vào.
- Thống đốc có thể giải thích thêm vì sao NHNN quyết định mở rộng tín dụng với lĩnh vực bất động sản, trong khi trước đây lại hạn chế cho vay?
- Lĩnh vực bất động sản rất rộng, nhưng đến nay dư nợ cho vay của hệ thống NH với lĩnh vực này chỉ khoảng 10% tổng dư nợ. Trong khi dư nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản lại rất lớn, khoảng 60% tổng dư nợ. Trước đây, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chúng ta phải thắt chặt tín dụng, đưa bất động sản vào lĩnh vực không khuyến khích cho vay.
Nhưng đến nay, như tôi đã nói, lạm phát bước đầu được kiềm chế, thanh khoản hệ thống NH dồi dào, nên phải tính đến chuyện tháo dần những lĩnh vực đã hạn chế cho vay trước đây. Vì sao lại là bất động sản? Bởi nhà ở hiện nay có nhu cầu rất cao.
Theo chúng tôi, đến thời điểm này giá nhà ở đã giảm xuống mức phù hợp với nhiều phân khúc khác nhau. Khi mở lĩnh vực này sẽ giải phóng hàng tồn kho về nhà ở, tạo ra sự chu chuyển dòng vốn hợp lý hơn.
Tháo gỡ khó khăn về vốn cho bất động sản còn giúp được nhiều lĩnh vực sản xuất khác như xi măng, sắt thép, xây dựng, giải quyết được việc làm cho người lao động. Với hệ thống NH, với khoảng 60% dư nợ có đảm bảo là bất động sản, việc “tháo ra” cũng sẽ tạo điều kiện xử lý nợ xấu trong hệ thống.
- Xin cảm ơn Thống đốc.