Theo đó, 6 tháng qua, XK của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ 26,3 tỷ USD, đứng thứ 2 sau Mỹ, nhưng chỉ bằng 47% kim ngạch Việt Nam XK sang Mỹ. Trong khi NK từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số các thị trường Việt Nam NK, gấp 8 lần NK của Việt Nam từ Mỹ.
Với nhập siêu 6 tháng đầu năm từ Trung Quốc 34,6 tỷ USD, có thể nói Việt Nam ngày càng ngập sâu vào thị trường này, khi năm 2021 nhập siêu 53,9 tỷ USD, năm 2020 là 35,2 tỷ USD và 2019 là 34 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc chiếm 55,4% nhập siêu từ toàn bộ châu Á, bằng 164% nhập siêu từ Hàn Quốc - thị trường nhập siêu số 2 của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, nên bất kỳ cái “hắt hơi” nào từ thị trường tỷ dân này bằng chính sách NK, thủ tục hải quan… lập tức gây “sang chấn” cho Việt Nam, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản. Một trong số đó là chính sách Zero Covid luôn thay đổi theo hướng siết chặt NK đối với nông, thủy sản.
Ám ảnh hàng ngàn xe “rồng rắn” chờ qua các cửa khẩu cuối 2021 chưa quên, thì mới đây Cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai), chỉ sau 10 ngày thí điểm cho trái cây thông quan đã tạm dừng, vin vào cớ hàng hóa nhiễm covid. Chính sách được lệnh hóa: Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm NK nước ngoài”; Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm XNK”.
Thực ra Trung Quốc có nền sản xuất lớn dựa trên khoa học phát triển, năng suất cao, lao động đông, chi phí thấp. Đã vậy do kề cận Việt Nam nên mọi chi phí XK càng thấp so với nhiều thị trường khác, giá bán vì thế cũng mềm.
Chất lượng hàng Trung Quốc có thể không tương xứng, nhưng vì nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam vẫn “đắm chìm” với hàng giá rẻ. Góp vào chuyện này còn có việc hàng Trung Quốc NK bị bóc nhãn gắn mác thành hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thoạt so danh mục hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc với hàng NK từ Trung Quốc có nhiều thứ đồng điệu. Nhưng thực tế hàng Việt hầu như chỉ là thứ tươi, sống, nguyên thô, tổng lượng không nhiều, lại tranh nhau bán, nên cửa khẩu rình rập đóng mở, ép cấp, ép giá…
Ngược lại, hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam ùn ùn, dù là sản phẩm công nghệ địa phương song vẫn được tấp nập mua.
Là công xưởng của thế giới, hàng từ Trung Quốc đối với Việt Nam lớn song chẳng bõ bèn so với lượng khổng lồ họ tung ra thế giới. Dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 5 khách hàng NK hàng đầu của Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 1-1-2022. Chiêm nghiệm thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó, Việt Nam tận dụng ưu đãi không nhiều, không nhạy. Ngược lại, Trung Quốc bài bản, nắm bắt mọi cơ hội. Sắp tới, hàng Trung Quốc theo RCEF sẽ đàng hoàng vào Việt Nam, do vậy việc NK nhập siêu từ thị trường này sẽ có nhiều chuyện “cười ra nước mắt”.
Vì thế, ngay lúc này Việt Nam cần có các giải pháp khắc chế việc nhập siêu từ Trung Quốc: (1) Nghiên cứu thị trường Trung Quốc bài bản, chiến lược, không qua quýt, thời vụ, ăn xổi như hiện nay.
(2) Đầu tư nghiên cứu sản phẩm cùng loại để giảm phụ thuộc trong dài hạn, khắc phục tâm lý thấy rẻ chăm chăm khuân về sản xuất cho nhanh.
(3) Ráo riết tìm thị trường thay thế dần thị trường Trung Quốc, liên kết khi tác nghiệp tại thị trường này.