Tờ báo của Nhật Bản Ashahi Shimbun đã rất lo lắng trước hiện tượng già hóa dân số này. Theo tờ báo trên, hiện có 896 huyện trên đà tiêu vong, tại những nơi số lượng phụ nữ trong tuổi có thể sinh đẻ giảm 50%, đà suy giảm dân số không thể đảo ngược.
Trong khi đó, tạp chí Courrier International của Pháp cho biết đời sống khó khăn ở Nhật Bản những năm gần đây là một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng sụt giảm dân số. Theo đó, khi thu nhập hàng năm chỉ ở mức 3 triệu yên (23.000EUR), 1 người đàn ông sẽ khó dám lấy vợ vì sẽ phải một mình đảm trách chi tiêu cả gia đình. Hiện 70% phụ nữ Nhật ở nhà sau khi sinh đứa con đầu lòng.
Ashahi Shimbun đã trách cứ chính quyền Nhật Bản trong nhiều năm qua không làm gì để ngăn chặn đà sụt giảm. Tờ báo của Nhật Bản tỏ vẻ khá gay gắt trước hiện tượng tầng lớp trẻ, thế hệ kế tục, sức mạnh của đất nước, lại không được quan tâm, nâng đỡ đúng mức. Trên chính trường, có quá ít thanh niên là người đại diện, những người dưới 30 tuổi hầu như không có tiếng nói.
Trong bối cảnh dân số già đi và giảm sụt nhanh chóng này, nhiều huyện dân cư thưa thớt hẳn, có nguy cơ sẽ biến mất, do đó tầng lớp trẻ kế thừa phải tham gia năng động hơn vào sự vận hành của đất nước. Hiện nhiều người ở Nhật đã ý thức phải cùng thanh niên xây dựng tương lai của đất nước.
Mẫu Robot Pepper của SoftBank.
Tờ báo còn nêu lại sự kiện một số công chức trẻ (20-30 tuổi) của các bộ Kinh tế, Thương mại năm ngoái, đã đánh động dư luận qua một báo cáo đăng trên internet nêu bật tình trạng nước Nhật trở thành khô cứng, tê liệt, đời sống chính trị do tầng lớp cao niên thâu tóm, trong lúc xã hội lại thờ ơ trước thế hệ trong tuổi lao động, thanh niên không phát huy được vai trò của họ.
Dân số già còn đặt ra một thách thức trước mắt đó là thiếu hụt lực lượng lao động tại xứ Phù Tang. Quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc khắc phục hiện tượng thiếu lao động là không sử dụng lá bài nhập cư mà ưu tiên sẽ dành cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo, robot trong lao động và dịch vụ phục vụ con người. Thủ tướng Abe đã tuyên bố dứt khoát không nhờ đến lao động nhập cư để bổ khuyết tình trạng dân số suy giảm, tuy rằng trong thực tế, việc cấp visa đã dễ dãi hơn đối với một số thành phần lao động nước ngoài, đặc biệt trong những ngành nghề thanh niên Nhật không mấy hứng thú và nhất là trước Thế vận hội 2020.
Theo giới chuyên gia, Nhật Bản phải đón ít nhất 200.000 lao động nhập cư hàng năm, để dân số không xuống dưới ngưỡng 100 triệu dân. Thế nhưng chủ trương của Thủ tướng Abe là ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, sử dụng robot để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân công. Theo viện nghiên cứu Nomura, thị trường robot cho lĩnh vực dịch vụ sẽ lên đến 38 tỷ EUR từ nay đến năm 2020.
Robot mang hình dáng con người có khả năng phát hiện cảm xúc để phản ứng như Pepper của SoftBank đã được triển khai ở 500 cửa hiệu. Theo dự kiến của bộ Y tế Nhật Bản, từ nay đến năm 2035, lĩnh vực dịch vụ phục vụ người già sẽ thiếu 380.000 lao động. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng robot trong dịch vụ phục vụ con người còn gặp 2 vấn đề: giá cả và an toàn. Đã không ít trường hợp trên thế giới, robot gặp trục trặc, quay sang hành hung khách hàng.