Trong hơn 2 năm qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đã thực hiện một chuỗi nỗ lực để tránh lặp lại thất bại của những người tiền nhiệm: đảo ngược đà giảm giá hàng hóa và dịch vụ kéo dài ở Nhật Bản.
Nhưng hôm 17-3, ông Kuroda phải thừa nhận rằng chiến dịch quyết liệt để tạo lạm phát - được xem là sống còn để kéo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trở lại tăng trưởng - đã phá sản. Tại một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của BOJ, ông Kuroda nói giá cả có thể sẽ “hơi tiêu cực”, tức giảm phát quay trở lại, hay vật giá sẽ giảm trên diện rộng, một điều Nhật Bản phải hứng chịu từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, BOJ dự báo thời gian giảm phát chỉ là tạm thời.
Trong một đánh giá, ngân hàng này cho biết trước sau giá cả cũng sẽ tăng trở lại, nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và thu nhập tăng. Tuy nhiên, BOJ không thể nói chính xác khi nào điều đó sẽ xảy ra. Vì vậy, BOJ cho biết sẽ không thay đổi chương trình mở rộng mua trái phiếu đã dùng để khuyến khích lạm phát, giữ mục tiêu mua nợ chính phủ ở mức 80.000 tỷ yen (660 tỷ USD) mỗi năm.
Ông Kuroda được Thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm làm Thống đốc BOJ từ năm 2013, với nhiệm vụ chính phải kéo Nhật Bản ra khỏi vũng lầy giảm phát bằng được. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã mạnh tay gia tăng hoạt động mua trái phiếu của BOJ, tiếp tục mở rộng chương trình này vào năm ngoái. Kuroda và những người ủng hộ ông cho rằng “đầu óc giảm phát” là nguyên nhân chính cho mọi tai ương của kinh tế Nhật Bản.
Họ cho rằng chi tiêu tiêu dùng yếu và thực tiễn các nhà đầu tư và doanh nghiệp không muốn chấp nhận rủi ro tài chính là bằng chứng cho điều đó. Việc thay đổi cách tư duy đó rất khó. Mục tiêu đạt lạm phát 2% vào giữa năm nay của ông Kuroda xem như không thể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chỉ 0,2% trong tháng 1, tháng gần nhất có dữ liệu quốc gia, sau khi loại trừ ảnh hưởng của một số mặt hàng biến động và có thay đổi về thuế.
Một phố hộp đêm ở Tokyo. |
“Tội đồ” chính gây giảm phát là giá dầu, đã quay đầu đi xuống kể từ mùa hè năm ngoái. Điều này đã tác động ngược đối với Nhật Bản, vì nước này phụ thuộc nặng vào nhập khẩu năng lượng. Theo đó, hầu hết nhà kinh tế đồng ý rằng giá dầu giảm sẽ giúp nền kinh tế trên tổng thể. Tuy nhiên, xăng dầu và các mặt hàng chủ chốt có liên quan đến năng lượng rẻ hơn, đã khiến sứ mệnh lạm phát của ông Kuroda khó khăn hơn. Dù vậy, ông Kuroda khẳng định giảm phát chỉ là tạm thời, không phải các biện pháp kích lạm phát của BOJ đã phá sản.
Trong văn bản đánh giá, BOJ viết: “Tỷ lệ tăng theo năm của CPI có vẻ như sẽ bằng zero trong hiện tại, do tác động của việc giảm giá năng lượng”. Một trong số các lý do để ông Kuroda hy vọng lạm phát sẽ gia tăng là thị trường lao động. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1997, chỉ 3,5%, hứa hẹn người lao động có thể đòi được mức lương cao hơn.
Chẳng hạn, Toyota đang chuẩn bị tăng lương mạnh nhất 13 năm cho nhân viên, truyền thông Nhật Bản đưa tin hôm 17-3. Kết quả cuộc đàm phán mức lương hàng năm giữa nhà sản xuất ô tô và công đoàn của công ty (được gọi là shunto - cuộc chiến mùa xuân) dự kiến sẽ được công bố trong tuần này và sẽ được xem như một chuẩn mực cho các tập đoàn lớn khác của Nhật Bản.
Naohiko Baba, Kinh tế trưởng Nhật Bản của Ngân hàng Goldman Sachs, cho biết BOJ sẽ không thể thực hiện bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào thêm nữa cho đến khi cuộc đàm phán lương hàng năm của Toyota có kết quả và tác động của nó đối với lạm phát trở nên rõ ràng hơn.