Nhật Bản: Lạm phát tăng cao, người lao động lao đao

(ĐTTCO) - Đồng yên Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất 24 năm, đe dọa các chính sách kinh tế vĩ mô hiện thời và ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua và thu nhập của người dân.
Đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất 24 năm qua so với USD, đưa mức lạm phát Nhật Bản lên mức cao nhất trong 7 năm qua.
Đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất 24 năm qua so với USD, đưa mức lạm phát Nhật Bản lên mức cao nhất trong 7 năm qua.
Lịch sử lặp lại?
Mùa hè năm 1998, đồng tiền của Nhật Bản trượt xuống mức thấp nhất so với USD, kể từ vụ "nổ bong bóng" kinh tế nghiêm trọng 7 năm trước. Khi đó, ông Haruhiko Kuroda, quan chức cấp cao Bộ Tài chính, cảnh báo việc đồng yên giảm giá quá mức là tiêu cực đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Gần 1/4 thế kỷ sau, Kuroda hiện là Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), cũng chứng kiến đồng yên tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm, một lần nữa phá vỡ mức 137 yên so với USD. Vào tháng trước, ông Kuroda phát biểu sau các cuộc thảo luận với Thủ tướng Fumio Kishida: “Sự sụt giảm ngày càng nhanh của đồng yên gần đây không phải là điều mong muốn”. 
Cuộc tranh luận ở Nhật Bản về việc đồng tiền mất giá ngày càng trở nên gay gắt. Trọng tâm của cuộc tranh luận là câu hỏi liệu chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo kéo dài hàng thập niên của Kuroda có thể chịu được áp lực của lạm phát toàn cầu hay không. Khi chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng lớn, các nhà đầu tư đã bán phá giá đồng tiền này, đưa nó xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Sự kết hợp giữa giá cả tăng và đồng tiền giảm giá đã bóp chặt ví tiền của người tiêu dùng, với mọi thứ từ xăng dầu, điện đến sô cô la và mì gói đều đắt hơn. Trong khi đó, tiền lương không tăng kịp giá cả, đồng nghĩa thu nhập khả dụng của người dân sẽ ngày càng thấp. Vì vậy, các nhà phân tích đang tự hỏi BoJ có thể giữ vững đường lối của mình bao lâu nữa, khi những luồng gió chính trị thay đổi và sự bất bình của công chúng ngày càng tăng. 

Đường cong lợi suất không còn tác dụng
Tốc độ giảm của đồng yên không chỉ khiến công chúng tức giận, mà còn dẫn đến những nỗ lực đầu cơ nhằm lật đổ sự kìm kẹp của BoJ trên thị trường trái phiếu chính phủ dài hạn. Năm 2016, BoJ đã mở rộng các chính sách nới lỏng tiền tệ và đưa ra giới hạn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức “khoảng 0%”, một chính sách được gọi là kiểm soát đường cong lợi suất. Nếu lợi suất đe dọa tăng cao hơn mục tiêu, BoJ sẽ mua trái phiếu chính phủ để đẩy lãi suất xuống. Trong những năm gần đây, BoJ đã mở rộng biên độ cho phép lợi suất giao dịch lên đến 0,25%. Nhưng điều này vẫn quá ít. 
Eiji Maeda, cựu Trợ lý Thống đốc BoJ, hiện là Chủ tịch Chiba-Bank Research Institute, nói nếu BoJ tiếp tục chương trình nới lỏng tiền tệ của mình, cần phải điều chỉnh lại chính sách về lãi suất âm và kiểm soát đường cong lợi suất. Lãi suất âm có thực sự thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản? Và có thực sự cần thiết giữ trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0%? Các nhà kinh tế đang chia rẽ về việc liệu Kuroda có điều chỉnh khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 3 năm tới. 

Áp lực cho BoJ
Những áp lực BoJ phải đối mặt cũng đang diễn ra trên chính trường. Đó là từ khi Kishida được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 10-2021, sự chú ý của nhà đầu tư đã tập trung vào việc liệu chương trình kinh tế của ông có đánh dấu sự phá vỡ “Abenomics” (chiến lược kinh tế của Abe) của người tiền nhiệm Shinzo Abe, người đã theo đuổi 3 “mũi tên” là tăng chi tiêu chính phủ, nới lỏng chính sách tiền tệ và cải cách cơ cấu nhằm duy trì đồng yên yếu hơn để thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản. Khi Kishida nhậm chức, ông đã hứa hẹn sẽ phân phối lại thu nhập và thúc đẩy tăng thuế thu nhập vốn. 
Tuy nhiên, những người thân cận với Thủ tướng cho biết Kishida và các trợ lý của ông ngày càng lo ngại trước phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ quay lưng với kế hoạch đánh thuế lãi vốn. Dự thảo chương trình kinh tế của Kishida đưa ra vào tháng này nhấn mạnh: “Sử dụng phân phối lại như một phương tiện để nâng cao tăng trưởng”, và “chính phủ sẽ kiên quyết duy trì 3 mũi tên của chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng để kích thích đầu tư tư nhân”. Dù vậy, một số nhà phân tích vẫn không loại trừ khả năng Kishida sẽ gây áp lực lên BoJ để sửa đổi chính sách tiền tệ trong tương lai, nhằm làm dịu đà giảm của đồng yên. 

Câu hỏi người kế nhiệm
Những căng thẳng về chính sách tiền tệ có khả năng bùng phát khi Kishida chọn Thống đốc BoJ tiếp theo thay thế Kuroda vào tháng 4-2023. Hiện có 2 ứng cử viên sáng giá: Masayoshi Amamiya, đương kim Phó Thống đốc, người được coi là chiến lược gia tiền tệ chính của BoJ; và Hiroshi Nakaso, cựu Phó Thống đốc BoJ, có quan hệ thân cận với cộng đồng ngân hàng trung ương quốc tế.
Cả 2 ông này đều đại diện cho các lựa chọn truyền thống, an toàn từ bên trong ngân hàng, những người đã hỗ trợ chặt chẽ vai trò Thống đốc của Kuroda. Các nhà phân tích kỳ vọng 2 ứng cử viên sẽ xem xét chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và lãi suất âm trong nhiệm kỳ của họ, nhưng rất ít người hy vọng BoJ sẽ sớm tiến tới thắt chặt đáng kể chính sách tiền tệ. BoJ rất muốn tránh những sai lầm họ đã mắc phải vào tháng 8-2000 và tháng 7-2006, khi tăng lãi suất rồi phải cắt giảm ngay sau đó khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Lao động xuất khẩu Việt Nam bị thiệt
Nếu so với mức lạm phát trên 8% ở Mỹ và Anh hiện nay, thì lạm phát chính ở mức 2,5% trong tháng 5 của Nhật Bản chẳng đáng là bao. Nhưng thực tế đây là mức lạm phát cao nhất ở xứ Phù Tang trong 7 năm qua, và cao hơn mục tiêu 2% của BoJ. Lạm phát cao cộng với giá trị đồng yên thấp thực sự là một cú đánh mạnh vào những lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó có người Việt Nam.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong 6 tháng đầu năm, lượng người Việt Nam xuất khẩu lao động sang Nhật Bản lên đến hơn 32.000 người, và đây là những người gặp nhiều bất lợi hơn so với trước. Bởi khi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, chi phí mà người lao động bỏ ra đều tính bằng USD, sau đó quy đổi ra tiền Việt. Trong khi đó, tiền lương họ nhận được sau khi đi xuất khẩu lại bằng yên và đang ngày càng giảm giá sâu so với USD, tức giá trị đồng lương họ nhận được ngày càng thấp hơn.
Chị T. Lê, một công nhân xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, cho biết chi phí để chị sang làm việc ở Nhật Bản cách nay 3 năm khoảng hơn 200 triệu đồng. Trong năm đầu, mỗi tháng chị có thể gửi về nhà 10 man, tương đương 22 triệu đồng. Nay chị cũng có thể gửi về nhà mỗi tháng 10 man, nhưng chỉ còn tương đương 17 triệu đồng. Trong khi đó, do lạm phát cao nên giá cả điện, nước, gas tại Nhật đều tăng. Trước đây, bình quân mỗi tháng chị chỉ cần trả 2 man 8 sen, nhưng nay mỗi tháng phải trả khoảng 3 man 2 sen (hơn 6 triệu đồng).  

Các tin khác