Bán không được
Theo tờ The Economist, nông dân chăn nuôi bò sữa đang đứng trước những lựa chọn đầy day dứt giữa việc bán sữa với giá rẻ như cho và bán bò sữa để lấy thịt. Những người nuôi gà theo hợp đồng ở Bờ Đông đã được yêu cầu loại bỏ gần 2 triệu con gà. Nông dân ở Iowa và Minnesota đang bắt đầu… sa thải đàn lợn, nói theo cách ít đau thương nhất. Đối với các nông trại sản xuất theo hợp đồng và thành viên các hợp tác xã - các nhà sản xuất trong hệ thống thực phẩm bị ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm, lại càng có ít lựa chọn.
TS. Amanda Stone, nghiên cứu viên Đại học bang Mississippi và là chuyên gia khuyến nông, làm việc với nông dân chăn nuôi bò sữa ở bang này và các khu vực lân cận, than thở thật trớ trêu khi hy vọng thị trường sữa ấm lên sau 4 năm rớt giá thê thảm vừa được nhen nhóm bởi giá sữa nhích lên chút đỉnh, giờ đây các chủ trại phải chịu tiếp đòn tấn công chí mạng từ đại dịch Covid-19.
Nông dân Mỹ thu hoạch rau xanh.
Nói không quá, Covid-19 đang đe dọa đảo ngược tiến trình ăn tươi, uống sạch và trân trọng những sản phẩm thủ công vừa được khởi lên. “Bạn có thể tưởng tượng cảm giác nhìn thấy ánh sáng le lói sau đường hầm đen tối suốt 4 năm qua và rồi… tất cả tối sầm lại” - Stone chua chát. Sức khỏe tâm thần của người nông dân, theo ông là vấn đề rất đáng lo ngại và chưa thể đo đếm được.
Trong khi một số công ty sữa lớn còn có thể quyên góp sữa cho các ngân hàng thực phẩm, nhiều thành viên hợp tác xã sữa nhỏ không có lựa chọn đó. Họ thiếu thiết bị thanh trùng và chế biến, nếu đem bán sữa thô như thời điểm chưa có dịch là vi phạm pháp luật.
Ngay cả khi có thể tiếp cận được hệ thống thiết bị thanh trùng cần thiết, có rất nhiều vòng kiểm tra, kiểm soát trước khi người nông dân bán được sữa, khiến lợi nhuận của họ không còn được bao nhiêu. Một số nông dân thành viên hợp tác xã đã buộc phải bán sữa ra ngoài hệ thống. Về cơ bản, điều này có nghĩa họ phải mua lại sữa chính mình đã sản xuất, Stone giải thích. Nếu họ quyết định rời khỏi hợp tác xã để bán được sản phẩm lúc này thì sau đó sẽ rất, rất khó khăn để được gia nhập lại.
Bỏ không xong
Bỏ không xong
Những người chăn nuôi heo, gà cũng phải đối mặt với những quyết định khó khăn tương tự. Công ty Thực phẩm Allen Harim (trụ sở chính tại Delawware) mới đây đã gửi một thông báo đến các nhà cung cấp của mình về kế hoạch giảm 2 triệu con gà. Trong khi đó, theo tờ Baltimore Sun, nhiều nhà máy khác, tuy không đưa ra thông báo rõ ràng, nhưng tình trạng cũng bi đát không kém.
Lance Schiele, một chủ trại heo ở Iowa, hồi cuối tháng 4 cho biết ông buộc phải xử lý 1.250 con heo nhỏ. Carolyn Olson ở bang Minnesota, mô tả cụ thể hơn với mong muốn công chúng hiểu được nỗi khổ tâm của người chăn nuôi khi buộc phải xử lý gia súc: “Vấn đề không chỉ là tiếp tục phải nuôi nấng, chăm sóc đàn gia súc đã đến tuổi xuất chuồng, mà là đợi đến khi những dây chuyền giết mổ được hoạt động trở lại, các con heo đã lớn vượt kích cỡ thiết kế của dây chuyền giết mổ. Đó là chưa kể đến việc không đào đâu ra chỗ để nuôi những con heo nhỏ tiếp tục được sinh ra”.
Thêm vào đó, không những không thể tăng, mà trong bối cảnh dịch bệnh, các nhà máy giết mổ và chế biến đang buộc phải giảm công suất để bảo đảm an toàn cho công nhân. Các dây chuyền giết mổ gia súc ở Minnesota đang giảm công suất tới 100.000 đầu heo mỗi ngày. Để tránh lãng phí hoặc bán phá giá, các chủ trại có sáng kiến đem thịt tới đóng góp cho các ngân hàng thực phẩm. Nhưng việc này cũng không dễ dàng. Thịt heo được hiến tặng phải là thịt đã qua chế biến và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm dịch và chất lượng.
Chẳng có lựa chọn nào khác. Các cửa hàng bán thịt ở thị trấn nhỏ trong vùng đều đã trữ hàng trong ít nhất 3 tháng tới, trong khi đàn heo “quá lứa lỡ thì” đang ê hề. Với bò sữa có thể được cho dùng thuốc để ngăn chặn quá trình tiết sữa, nhưng việc dùng thuốc có thể khiến chúng bị viêm nhiễm tuyến sữa và việc phục hồi sau đó sẽ thực sự khó khăn.
Trong khi vẫn phải chăm sóc và cung cấp thực phẩm cho vật nuôi, người nông dân không có hy vọng có được bất kỳ khoản thu nào, thậm chí còn phải bỏ thêm chi phí để vứt bỏ thịt và sữa. Đầu tư để sản xuất sữa bột ư, tiền ở đâu và có thể cạnh tranh được với các đại gia đã chắc chân trên thị trường hiện nay không. Một khi dịch bệnh qua đi, liệu sữa bột họ làm ra có còn tiêu thụ được nữa hay không. Không có gì là chắc chắn cả.
Sau Minesota, 6.000 người chăn nuôi heo ở Iowa cũng đang vật lộn trong phấp phỏng. Những nhiệm vụ bi thương đang chờ họ.