Tăng trưởng lợi nhuận, câu chuyện dẫn dắt chứng khoán toàn cầu
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt tạo đáy vào khoảng cuối quý I-2020 sau khi hầu hết đều tuột dốc không phanh do ảnh hưởng bởi cú sốc Covid-19.
Sau đó, mỗi quốc gia lại có một chiến lược đối phó với dịch bệnh khác nhau, có quốc gia tiến hành các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, trong khi có quốc gia lại tiến đến miễn dịch cộng đồng.
Những cách tiếp cận chống dịch khác nhau đã dẫn đến diễn biến dịch bệnh và tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế là rất khác nhau cho đến thời điểm hiện tại.
Cũng chính vì sự khác nhau đó, mẫu hình phục hồi của các thị trường chứng khoán cũng không giống nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung, đà hồi phục của hầu hết các thị trường vẫn dựa trên những chính sách hỗ trợ kinh tế sau đó tác động đến sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đặc biệt, khi bước sang năm 2021, điều này càng rõ nét hơn khi thế giới ngày đã dần quen với Covid-19.
Theo báo cáo của JP Morgan về triển vọng thị trường quý II-2021, hầu hết các thị trường lớn toàn cầu sẽ có mức hồi phục lợi nhuận hai con số trong năm nay.
Ví dụ ở Mỹ, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là 26%, các thị trường mới nổi là 37%, Nhật Bản và châu Âu là 33% và Trung Quốc là 18%. Điều đó giúp P/E dự phóng ở nhiều thị trường chứng khoán trong 12 tháng tới là không quá cao, mặc dù các thị trường đã phục hồi rất mạnh từ đáy.
Những con số ở trên cho thấy, sau đà sụt giảm lợi nhuận năm 2020, các thị trường đều bước vào chu kỳ mới. Ở đầu giai đoạn phục hồi, các nhóm cổ phiếu chu kỳ thậm chí có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận còn lớn hơn nhiều so với mức bình quân của thị trường.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ tính riêng nhóm cổ phiếu VN30, sau khi tạo đáy ở quanh 600 điểm vào tháng 3-2020, hiện chỉ số đã tăng hơn 130% (hơn gấp đôi) và áp sát ngưỡng 1.400 điểm. Có hơn một nửa số cổ phiếu trong nhóm này đã tăng giá hơn gấp đôi cùng với đà tăng của chỉ số; trong đó, các cổ phiếu chu kỳ có mức tăng mạnh nhất.
Tất nhiên, đà tăng mạnh mẽ trên cũng xuất phát từ nền so sánh thấp, nhưng nếu lấy mốc so sánh là đầu năm 2020, khi dịch bệnh chưa xảy ra, hiện tại, chỉ số VN30-Index đã tăng hơn 50%.
So với mức định giá của các thị trường trong khu vực, mức định giá của các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam cũng chưa hề đắt, đặc biệt là nhìn trên P/E dự phóng. Song, với những ai bám sát thị trường, chọn lọc cổ phiếu dưới góc nhìn cơ bản, chỉ cần lướt qua báo cáo định giá của các công ty chứng khoán, sẽ thấy ngày càng nhiều cổ phiếu đã vượt xa mức giá khuyến nghị. Đây là lúc nhà đầu tư cần cẩn trọng xác định lại kỳ vọng đối với từng cổ phiếu.
Để lấy mẫu đại diện, bài viết sẽ tiếp tục phân tích trên VN30, nhóm cổ phiếu đại diện cho hơn 70% vốn hóa của HOSE. Trong báo cáo hồi tháng 4 của mình, Fiinpro đưa ra dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận 2021 của nhóm này ở mức 20,4%, với sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nhóm phi tài chính.
Để thấy mức tăng trưởng giá có đi quá mức tăng trưởng lợi nhuận hay không, hãy nhìn lại diễn biến của chỉ số VN30 thời gian qua. Trong năm 2020, VN30-Index đã tăng 21,8% và kể từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 28% (lợi nhuận 2020 của VN30 tăng 1,7%, dự báo 2021 đa số từ 20 - 25%).
Theo dự báo của nhiều tổ chức, lợi nhuận năm 2022 có khả năng tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%. Như vậy, nếu tính tổng trong 3 năm 2020 - 2022, lợi nhuận các doanh nghiệp VN30 tăng trưởng khoảng 50%. Nếu tính 2020 là năm bắt đầu chu kỳ mới, kể từ 2020 đến nay, chỉ số VN30 cũng đã tăng tròn 50%.
Quý I-2021 chứng kiến đà phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp, phần nào xuất phát từ nền so sánh rất thấp của quý I-2020. Điều này giúp giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp bay cao. Chắc chắn, trong quý II-2021, những con số tăng trưởng trên sẽ khó lặp lại vì nền so sánh đã cao hơn.
Đã đến lúc thị trường cần tĩnh lại để xác định kỳ vọng về cổ phiếu đầu cơ và cổ phiếu đầu tư, cũng như cổ phiếu nào đắt và cổ phiếu nào còn rẻ. Sau mỗi lần như vậy, dòng tiền lại chuyển hướng để phân hóa phù hợp hơn.