Theo nhiều chuyên gia, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tại Việt Nam mô hình khu đô thị mới đã bắt đầu xuất hiện từ cách đây hơn 20 năm với sự hình thành các khu đô thị quy mô lớn, kiểu mẫu như khu đô thị Phú Mỹ Hưng hơn 400 ha tại TP. HCM hay Ciputra hơn 300ha tại Hà Nội.
Trong những năm gần đây, nhiều khu đô thị mới do các chủ đầu tư trong nước đầu tư với diện tích hàng trăm ha gồm đầy đủ những phân khúc như: chung cư, nhà phố, biệt thự, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, mua sắm, tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH địa phương.
Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, xu thế phát triển các khu đô thị mới tại các thành phố lớn là tất yếu. Các khu đô thị mới hình thành tạo động lực phát triển quan trọng trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, theo bà Hương, để thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị mới một cách thuận lợi và hiệu quả vẫn cần sự quan tâm của cơ quản quản lý Nhà nước một số vấn đề.
Cần chiến lược phát triển tổng thể về kinh tế xã hội tại các thành phố lớn theo đó định hướng các trục phát triển chính của thành phố theo hướng hình thành các khu đô thị vệ tinh phù hợp với tiềm năng phát triển của khu vực. Đồng quan quan điểm, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, trong 5 năm gần đây, sự phát triển của Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành một cực đối trọng của TP.HCM, chứ không phải là vệ tinh phụ thuộc hạt nhân TPHCM nữa. Ngoài yếu tố đất đai, con người, các địa phương này còn có yếu tố hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Theo ông Phúc, Đồng Nai có sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành, cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch… đủ sức hút người dân và nhà đầu tư về đây. Chính vì vậy, nếu như trước đây, nhu cầu phố thị như mua sắm vui chơi khiến người ta phải ở trung tâm thì nay đã dễ dàng được đáp ứng nhờ công nghệ mới, chẳng hạn trang mua bán và đội ngũ shipper nhanh gọn. Do vậy, nhu cầu phát triển các đô thị vệ tinh là cần thiết và chắc chắn sớm trở thành xu hướng nở rộ.
Về giải pháp tích hợp quy hoạch phát triển bền vững TP.HCM với quy hoạch sử dụng đất, TS. Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ TN-MT cho rằng, phải quy hoạch các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh theo nguyên tắc thị trường, bắt đầu từ việc hình thành các trung tâm thương mại sử dụng đất thương mại, dịch vụ; tiếp theo là khu vực văn phòng, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp sử dụng đất sản xuất, kinh doanh trong đô thị; đất nhà ở tập thể, chung cư và cuối cùng là đất nhà ở đơn lập theo mô hình hướng tâm, nhiều lớp hình thành vùng đô thị trung tâm, với vùng đô thị vệ tinh và các hạt nhân là khu vực kinh doanh, thương mại nằm ở lõi trung tâm đô thị.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo đánh giá của các nhà đầu tư, hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án đại đô thị, trong đó có cả bất cập về luật pháp, chính sách quy hoạch, cũng như về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là kết nối giao thông cho phát triển đại đô thị chưa tương xứng.
“Từ thực tế đó, nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển các dự án đại đô thị hiệu quả, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sức bật từ các đại đô thị” - TS. Nguyễn Anh Tuấn nói.