Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 bắt đầu vào hệ thống phân phối của các siêu thị. Ảnh: Q.BÌNH
Đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong đó, 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ, gồm: 165,6 tấn gạo, nếp các loại; 3.385 tấn thịt các loại; 1.997 tấn rau củ quả các loại; hơn 36.248 tấn thực phẩm đóng hộp, 996 tấn thực phẩm khô, 515 tấn bánh kẹo các loại...
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán, đơn vị sẽ tổ chức các điểm bán thịt heo bình ổn giá, đưa hàng về phục vụ người dân 2 xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang; tổ chức Hội chợ Xuân 2022; tổ chức các phiên chợ tết công nhân.
* Cùng ngày, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng cho biết, đơn vị đã cùng các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trên địa bàn chuẩn bị khoảng 54.000 tấn hàng hóa các loại phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần, trị giá trên 2.350 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tỉnh tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: gạo các loại hơn 14.700 tấn; lương thực khác 2.527 tấn; thịt gia súc, gia cầm 3.733 tấn; thủy sản 5.398 tấn; hơn 10,5 triệu quả trứng; đường, sữa, bánh, mứt kẹo 1.436 tấn; rau, quả hơn 4.500 tấn… Khoảng 15%-20% trong tổng lượng hóa nói trên sẽ được tỉnh Kiên Giang hỗ trợ kinh phí để vận chuyển sớm ngay trong tuần này ra các đảo thuộc huyện Kiên Hải, TP Hà Tiên, xã đảo Thổ Châu (thuộc TP Phú Quốc)…
* Tại An Giang, hiện có 23 doanh nghiệp chủ lực đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường, chuẩn bị lượng hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước (trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… là 342 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 1.000 tỷ đồng).
* Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cũng vừa ban hành kế hoạch đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết Nguyên đán. Đảm bảo số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, hoặc đầu cơ gây sốt giá thị trường; giá cả phải được niêm yết công khai và bán theo giá niêm yết.
* UBND tỉnh Cà Mau cho biết, do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn còn diễn biến khá phức tạp, tỉnh giao các cơ quan phụ trách, các địa phương tiến hành gửi quà, thư chúc mừng năm mới đến các đơn vị, tổ chức… nhằm khích lệ tinh thần, đón Tết Nguyên đán 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, hạnh phúc.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ ưu tiên đến thăm, tặng quà động viên tại các cơ sở y tế, nhất là những nơi đang điều trị bệnh nhân Covid-19, kể cả những cơ sở điều trị tuyến huyện, cũng như các gia đình có người thân mất do nhiễm Covid-19, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí cho các hoạt động thăm, tặng quà, kể cả tăng khẩu phần ăn cho bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trong những ngày Tết Nguyên đán 2022… ước gần 40 tỷ đồng.