
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dù năm 2019 tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, thiên tai, chiến tranh thương mại và nhiều vấn đề bất ổn khó lường, nhưng ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc về quản lý ngân sách nhà nước. Không chỉ hoàn thành về mặt số lượng mà còn hoàn thành cả mặt chất lượng, xuất siêu trên 500 tỷ USD, giữ đà tăng trưởng tốt, lạm phát được kiểm soát, các chỉ tiêu vĩ mô khác ổn định, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng cho biết, gần đây có một số tổ chức quốc tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam “không quá nóng cũng không quá lạnh”, mà thành công của Việt Nam là sự linh hoạt trong điều hành chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, đặc biệt là cân đối tài chính ngân sách nhà nước.
“Chúng ta đã chủ động điều hành tốt chính sách tài khoá, nếu như trước đây khó khăn thì nay đã giải quyết tốt hơn nhiều. Đặc biệt năm 2019, giảm bội chi hàng nghìn tỷ đồng, nợ công dưới 55% GDP, giảm gần 10% so với năm 2016, tạo dư địa nguồn lực trong phát triển” - Thủ tướng nhận định. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính thời gian tới cần tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, tiếp thu lắng nghe, có tinh thần thái độ làm việc cầu thị, nâng cao trách nhiệm trong phục vụ nhân dân cũng như chống tham nhũng tiêu cực.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2019, thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,79% so với dự toán và tăng 8,7% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng (tăng 8,5% dự toán), thu từ dầu thô vượt 11,7 nghìn tỷ đồng (tăng 26,1% dự toán) và thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25,3 nghìn tỷ đồng, (tăng 13,4% so với dự toán).
Tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 25,7% GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1% GDP, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP. Đáng chú ý, thu ngân sách Trung ương đã vượt 32 nghìn tỷ đồng (tăng 4% so với dự toán), thu ngân sách địa phương hơn 106,2 nghìn tỷ đồng (tăng 17,7% so với dự toán). 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, và có 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu ngân sách địa phương.
Về kế hoạch năm 2020, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 3% so với dự toán Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đặt ra mục tiêu kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi 3,44% GDP, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, để giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Phấn đấu đến cuối năm 2020, dư nợ công không quá 54,3% GDP, nợ Chính phủ không quá 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45,5% GDP.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, báo cáo trực tuyến từ đầu cầu TPHCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2019, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 409.923,4 tỷ đồng, vượt 2,71% dự toán và tăng 8,29% so với năm 2018. Các khoản thu bao gồm thu nội địa và dầu thô được 290.360,4 tỷ đồng (đạt 100,01% dự toán), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 118.664 tỷ đồng (đạt 109,07% dự toán). Đáng chú ý, trong thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế được 157.054 tỷ đồng, đạt 89,51% dự toán và tăng 9,04%.
Về cơ cấu thu nội địa gồm có thu từ doanh nghiệp nhà nước được 25.600,3 tỷ đồng, đạt 85,62% dự toán và tăng 2,08%, thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 65.062,4 tỷ đồng, đạt 85,1% dự toán và tăng 8,15% và thu từ khu vực doanh nghiệp tư nhân 66.392,4 tỷ đồng, đạt 96,06% dự toán và tăng 12,93%. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước của TPHCM vượt con số 400.000 tỷ đồng, là mức thu cao kỷ lục từ trước đến nay.