Phục hồi đà tăng trưởng
Thông tin từ Cục Thống kê TPHCM, kinh tế thành phố qua 9 tháng năm 2023 ghi nhận một số điểm sáng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,2% so với cùng kỳ (tăng tương ứng qua các quý 1, 2, 3 là 5%, 7,7% và 12,9% ).
Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trước đó, xu hướng tăng của chỉ số này cũng thể hiện rõ qua các quý 1, 2, 3 với lần lượt -0,9%, 4,0% và 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành phố đã cấp phép mới 860 dự án, tăng 51,7% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 406,1 triệu USD, tăng 16,7%. Một điểm sáng khác là ghi nhận về hoạt động chuyển đổi số của thành phố.
Theo báo cáo của Bộ TT-TT vừa công bố, TPHCM đứng thứ nhì cả nước về chỉ số chuyển đổi số trong năm 2022. Đặc biệt, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GRDP của thành phố năm 2022 ước đạt 18,66%.
Chế biến rau tại Hợp tác xã Phước An, huyện Bình Chánh, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG |
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, từ tháng 7 đến 9-2023, ngành bán lẻ trong nước có những tín hiệu phục hồi khá tích cực khi đạt mức tăng trưởng trên 7% so cùng kỳ năm trước. Riêng tại TPHCM, tổng mức bán lẻ đạt được rất ấn tượng, bởi bối cảnh tổng cầu thế giới vẫn giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Thực tế cho thấy, các chính sách kích cầu như giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giãn thời gian nộp thuế; giảm thuế, phí sử dụng đất; đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung; chính sách visa du lịch; giảm lãi suất cho vay... đã phát huy hiệu quả rất đáng khích lệ.
Khách hàng chờ thanh toán tại siêu thị Lotte Mart quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ở góc độ khác, đại diện Tập đoàn Centrail Retail cho biết, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng được đánh giá là điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều tập đoàn nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là một địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp nước ngoài có chung nhận định, cộng đồng doanh nghiệp TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, chất lượng ngày càng được cải thiện.
Nới thêm dư địa cho phát triển
Từ những ghi nhận thực tế trên, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2023 lần lượt là 6,08%, 6,47%, 7,46%. Nếu muốn đạt mức tăng trưởng là 7,46% thì TPHCM phải cần có quyết tâm rất cao của hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nới thêm dư địa phát triển.
Theo đó, một là, triển khai hiệu quả những chính sách đột phát đã được đề ra trong Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Hai là, đẩy mạnh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn 2060; đồng thời lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Ba là, tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Bốn là, kích cầu tiêu dùng nội địa. Năm là, cải thiện môi trường đầu tư để phục hồi niềm tin doanh nghiệp. Sáu là, chuẩn bị kịch bản về an sinh xã hội. Bảy là, lấy nền tảng kinh tế xanh, chuyển đổi số làm năng lực tăng trưởng cạnh tranh mới cho kinh tế thành phố.
Phân bổ hơn 3.500 tỷ đồng cho các công trình cấp thiết
HĐND TPHCM mới đây đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Theo đó, TPHCM dành hơn 3.500 tỷ đồng để bố trí cho các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu an sinh xã hội cho TP Thủ Đức và 5 huyện.
Cụ thể, TP Thủ Đức được phân bổ 1.485 tỷ đồng để thực hiện 28 dự án; huyện Nhà Bè được phân bổ 464 tỷ đồng; huyện Hóc Môn được phân bổ 222 tỷ đồng; huyện Bình Chánh được bố trí 547 tỷ đồng; huyện Củ Chi được phân bổ 435 tỷ đồng; huyện Cần Giờ được phân bổ 382 tỷ đồng.
- Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:
Tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng
Tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM là HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết ban hành về quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định đà phục hồi tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh việc bơm vốn vào nền kinh tế thông qua việc giảm bớt thủ tục và điều kiện vay vốn, ký kết hợp tác giữa các ngân hàng và UBND các quận huyện, cũng như giảm điều kiện thế chấp tiền vay.
Bên cạnh đó, các sở ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng giải quyết các yêu cầu cấp bách và chính đáng của doanh nghiệp như việc hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lao động...
- Ông PHẠM BÌNH AN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:
Điểm sáng của chuỗi cung ứng toàn cầu
TPHCM đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đón tiếp nhiều tập đoàn nước ngoài đến tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm từ doanh nghiệp Việt Nam, điều này mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Do vậy, thành phố cần tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến giao thương trong và ngoài nước để tăng cơ hội tiếp cận đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp. Ở góc độ khác, cần chú trọng tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn thị trường… để tăng sức mua cho thị trường nội địa, góp phần lan tỏa động lực tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực khác liên quan.