Chiều 11-2, tại buổi cung cấp thông tin về hoạt động của ngành công thương TP.HCM quý 1-2022, ông Huỳnh Lê Minh Tú, phó giám đốc Sở Công thương TP, cho biết thời gian gần đây, cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở rộng sang lĩnh vực phân phối, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021, đã có 549 giấy phép bán lẻ không lập cơ sở bán lẻ được cấp cho các doanh nghiệp FDI ở TP, chỉ có khoảng 170 giấy phép lập cơ sở bán lẻ như các chuỗi siêu thị của MM Mega, Big C, AEON... và khoảng 20 giấy phép dịch vụ thương mại điện tử.
Ông Tú cho rằng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ, bên cạnh các sàn thương mại điện tử, các nhà bán lẻ lớn đã và đang đẩy mạnh trang bán hàng trực tuyến riêng và tận dụng kênh này để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.
Chẳng hạn khá nhiều thương hiệu điện tử, hàng gia dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc... mở cửa hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử hay có hãng bia còn lập gian hàng trên nền tảng gọi món như Grab, ShopeeFood... để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Theo đại diện Sở Công thương TP, sự mở rộng này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang hết sức sôi động và các doanh nghiệp FDI đã tận dụng tốt các cam kết trong những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, mở cửa có lộ trình thị trường bán lẻ.
Ông Hirai Shinji, trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết tiêu dùng nội địa của Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tận dụng ưu điểm dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp khối phi sản xuất của Nhật Bản đang không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam cho dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Khảo sát mới nhất của JETRO cho thấy trên 50% doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam duy trì chức năng mở rộng bán hàng ở thị trường gần 100 triệu dân này.