Nhiều doanh nghiệp niêm yết 'gánh lỗ' tỷ giá

(ĐTTCO) - Biến động tỷ giá USD/VNĐ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi. Nhưng phía ngược lại, nhiều doanh nghiệp có khoản vay bằng USD đối mặt với khả năng gánh thêm khoản lỗ tỷ giá.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết 'gánh lỗ' tỷ giá

Tỷ giá còn biến động mạnh?

Tỷ giá trung tâm giữa VNĐ và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cuối tuần trước ở mức 24.063 đồng/USD, hiện đang quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử. Áp dụng biên độ 5%, các NHTM được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.229 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.400 đồng/USD. Như vậy, đến thời điểm hiện tại VNĐ mất giá so với đầu năm hơn 3%.

Theo dự báo của CTCK KB Việt Nam (KBSV), áp lực tỷ giá trong giai đoạn cuối năm vẫn lớn vì 3 nguyên nhân: chênh lệch lãi suất USD và VNĐ vẫn duy trì ở mức cao; xu hướng mạnh lên của USD vẫn truy trì; nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng.

KBSV dự báo tỷ giá sẽ tăng khoảng 3,5% so với đầu năm, đạt 24.460 VNĐ vào cuối năm. Áp lực tỷ giá sẽ là yếu tố kìm hãm xu hướng giảm của lãi suất trong thời gian tới, mặc dù khi so sánh tương quan với các nền kinh tế khác mức độ mất giá của VNĐ vẫn ở trong tầm kiểm soát.

Nhận định về biến động tỷ giá trong thời gian tới, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ, bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt.

Đồng thời, hiệu quả của việc can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng USD. Rủi ro đối với dự báo là khả năng chỉ số đồng USD tăng mạnh về mức 110.

Khi đó, NHNN có thể phải can thiệp thông qua bán ngoại tệ và kiềm giữ tỷ giá ở mức này cho đến cuối năm.

Doanh nghiệp gặp khó

Có thể nói, việc tỷ giá biến động gây tác động trái chiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang niêm yết. Theo đó, các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá khi USD/VNĐ tăng. Đó là các ngành xuất khẩu chủ lực như: dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ.

Ngược lại, các doanh nghiệp vay nợ bằng USD, công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chêch lệch tỷ giá hối đoái. Điều này kéo theo sự thay đổi làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD.

Tuy nhiên, tùy vào doanh nghiệp cụ thể nếu phát sinh doanh thu từ USD, hoặc hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác, từ đó đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chêch lệch tỷ giá.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD sẽ gặp khó khăn khi USD tăng giá, đồng thời giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu.

Áp lực tỷ giá sẽ là yếu tố kìm hãm xu hướng giảm của lãi suất trong thời gian tới, mặc dù khi so sánh tương quan với các nền kinh tế khác mức độ mất giá của VNĐ vẫn ở trong tầm kiểm soát.

Theo thống kê, tại thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp niêm yết đang có khoản vay bằng USD lớn nhất là VIC (88.841 tỷ đồng).

Kế đến là PGV (35.397 tỷ đồng), NVL (23.187 tỷ đồng), QTP (18.327 tỷ đồng), HPG (16.680 tỷ đồng), MSN (16.806 tỷ đồng), MWG (5.903 tỷ đồng), PVT (4.319 tỷ đồng), GAS (4.166 tỷ đồng), PC1 (4.056 tỷ đồng), PVD (3.868 tỷ đồng), VJC (3.877 tỷ đồng), VNM (2.547 tỷ đồng), POW (2.354 tỷ đồng), BWE (2.098 tỷ đồng), BSR (2.004 tỷ đồng), HNG (1.845 tỷ đồng), REE (1.654 tỷ đồng), HSG (1.483 tỷ đồng).

Việc tỷ giá USD/VNĐ tăng hơn 3% tính từ đầu năm đến nay, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kể trên khi làm giảm lợi nhuận trước thuế.

Theo ước tính, doanh nghiệp chịu mức giảm lợi nhuận lớn nhất là QTP (giảm 75,7%), PGV (giảm 38,5%), VIC (giảm 23,2%), NVL (giảm 19,4%), HSG (giảm 12,9%), MSN (giảm 10,9%), PVT (giảm 9,9%), BWE (giảm 8,3%).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gánh thêm khoản lỗ so chênh lệch tỷ giá. Cụ thể, VIC (lỗ 2.955 tỷ đồng), PGV (lỗ 1.177 tỷ đồng), NVL (lỗ 771 tỷ đồng), QTP (lỗ 610 tỷ đồng), MSN (lỗ 559 tỷ đồng), HPG (lỗ 555 tỷ đồng), MWG (lỗ 196 tỷ đồng), PVT (lỗ 144 tỷ đồng), GAS (lỗ 139 tỷ đồng), PC1 (lỗ 135 tỷ đồng), VJC (lỗ 129 tỷ đồng), PVD (lỗ 129 tỷ đồng).

Không bị tác động trên sàn chứng khoán

Dù được dự báo sẽ chịu nhiều tác động từ biến động tỷ giá, nhưng phần lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp kể trên vẫn giữ được “phong độ”, thậm chí nhiều mã còn đi ngược xu hướng rớt giá chung.

Đơn cử là nhóm ngành nhiệt điện và dầu khí, 2 nhóm ngành có nhiều doanh nghiệp có khoản vay bằng USD lớn nhất hiện nay. Nguyên nhân do nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi hoặc triển vọng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm. Sự phục hồi này có thể “bù đắp” yếu tố tiêu cực từ tỷ giá.

Lấy dẫn chứng từ các doanh nghiệp nhiệt điện, vốn chịu nhiều tác động nhất từ các đợt biến động tỷ giá. Hiện tượng El Nino dự báo tiếp diễn đến cuối năm và sang 2024. Điều này đồng nghĩa với sản lượng sản xuất của các nhà máy thủy điện sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm, lượng nước về hồ thấp.

Khi đó, dư địa huy động cho nhóm nhiệt điện sẽ tăng lên nhằm bù đắp sự thiếu hụt từ thủy điện. Đặc biệt, các nhà máy tại miền Bắc sẽ hưởng lợi nhiều do huy động phụ thuộc vào 2 nhóm nguồn phát chính mà không có nhiều nguồn thay thế. Bên cạnh đó, giá than và giá khí đầu vào có xu hướng hạ nhiệt, cũng là yếu tố tích cực của nhóm ngành này.

Các doanh nghiệp dầu khí cũng được duy trì quan điểm tích cực dựa trên kỳ vọng giá dầu sẽ neo ở mức cao, cũng như sự ấm lên của thị trường thăm dò và khai thác (E&P) toàn cầu. Thị trường E&P nội địa cũng sẽ sôi động hơn từ 2024 với tiến triển từ “siêu” dự án Lô B - Ô Môn.

Tiến độ xin quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án Lô B - Ô Môn có thể chậm trễ đến giữa năm 2024, do các vấn đề cốt lõi về giá bán và vận chuyển khí vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, trong tháng 9 việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ cho dự án, là tín hiệu cho thấy dự án sớm được đưa vào khai thác sớm hơn.

Các tin khác