Lời giải không thỏa đáng
Trong tháng 9, TTCK toàn cầu chứng kiến sự điều chỉnh đáng kể do lo ngại những quyết định về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTW) và giá năng lượng tăng cao. Ngoại trừ NHTW châu Âu (ECB), còn lại hầu hết các NHTW đã tạm dừng tăng lãi suất và có kế hoạch duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn, khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh làm ảnh hưởng đến TTCK toàn cầu.
Tâm lý NĐT cũng bị ảnh hưởng bởi khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa liên quan đến sự thiếu đồng thuận trong Quốc hội, bất chấp thông tin tích cực từ số liệu lạm phát tại Mỹ và châu Âu trong xu hướng giảm.
Trong nước, triển vọng dài hạn từ sự kiện lịch sử khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đã không duy trì được tâm lý lạc quan trên thị trường.
Tỷ giá VNĐ/USD tăng mạnh được củng cố khi những người tham gia thị trường dự đoán chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền có thể sẽ nới rộng, do khả năng nâng lãi suất của các NHTW khi họ nhóm họp trong tháng 9. Xu hướng tăng giá của USD làm gia tăng áp lực bán ra từ khối ngoại, gây ảnh hưởng gián tiếp đến diễn biến của TTCK.
Một yếu tố ảnh hưởng tới TTCK là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tín phiếu (28 ngày) để rút thanh khoản dư thừa trong hệ thống. Động thái này diễn ra sau phát biểu về chính sách của Fed trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), đã gây ra phản ứng trái chiều trên thị trường và góp phần làm giảm hiệu suất của VN Index. Đáng lưu ý là việc rút thanh khoản ngắn hạn này không thể hiện sự thay đổi sâu sắc trong chính sách tiền tệ.
Theo giới phân tích, những yếu tố bất lợi kể trên chắc chắn không thể khiến cho VN Index lao dốc mạnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Lãnh đạo một quỹ đầu tư lớn, khi được hỏi về những diễn biến đột ngột và bất thường trên TTCK, cũng tỏ ra bất ngờ trước làn sóng bán tháo từ NĐT nội cho tới khối ngoại, từ tổ chức trong nước cho tới bộ phận tự doanh.
Tuy nhiên, vị này đưa ra thêm lý do khiến VN Index giảm mạnh, ngoài các yếu tố kể trên, còn có nguyên nhân xuất phát từ hiệu ứng tiêu cực của giá CP VFS (VinFast) trên sàn Nasdaq (Hoa Kỳ).
Chờ dòng tiền NĐT chuyên nghiệp
Câu hỏi được nhiều NĐT đặt ra trong lúc này là khi nào TTCK khởi sắc trở lại? Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc NHNN liên tục phát hành tín phiếu không phải tín hiệu đảo chiều chính sách khi tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Thế nhưng, có tín hiệu khá rõ ràng là không gian để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ tương đối hạn chế và điều này là thông tin không tích cực đối với TTCK trong giai đoạn cuối năm.
Trên thực tế, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi thể hiện qua sự sụt giảm mạnh về thanh khoản trên toàn thị trường. Trong các phiên giao dịch gần đây, có thời điểm giá trị giao dịch của sàn HoSE về sát mốc 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt dòng tiền tại các nhóm ngành dẫn dắt tâm lý đợt vừa qua như bất động sản, chứng khoán, xây dựng (đầu tư công) đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt.
Điều này củng cố thêm quan điểm của các CTCK cho rằng xu hướng tăng điểm của thị trường trên hiệu ứng chính sách từ tháng 5 sẽ dần nhường chỗ cho trạng thái dao động (swing) với xu hướng đi ngang.
Bên cạnh đó, việc các NĐT tổ chức trong nước và nước ngoài (tạm gọi là chuyên nghiệp) liên tục bán ròng với tỷ lệ đóng góp vào thanh khoản ở mức thấp, khiến diễn biến TTCK chịu sự chi phối chủ yếu bởi tâm lý của NĐT cá nhân. Thế nhưng, NĐT cá nhân lại tâm lý dễ dao động, dẫn tới hành động bán tháo trong những giai đoạn TTCK trống thông tin hỗ trợ như hiện tại.
Chính vì vậy, cho đến khi NĐT chuyên nghiệp gia nhập trở lại, xu hướng chung của thị trường sẽ ổn định và tích cực hơn. Riêng trong tháng 10, diễn biến thị trường sẽ xoay quanh các câu chuyện về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết.
Khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành của VDSC, cho thấy thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố kết quả kinh doanh lạc quan trên diện rộng. Thay vào đó, mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Do vậy, NĐT muốn đón sóng kết quả kinh doanh quý III cần có sự chọn lọc từng CP riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành.
Hấp dẫn trong dài hạn
Về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là rất hấp dẫn, đặc biệt với các NĐT quốc tế. Cuối tháng 9 vừa qua, Maybank Investment Bank Việt Nam (MSVN) đã tổ chức chuyến thăm và làm việc cho 12 định chế tài chính đến từ các quốc gia Anh, Mỹ, Thụy Điển, Malaysia, Thái Lan, Singapore.
Trong chuyến thăm và làm việc, MSVN đã tổ chức các cuộc họp cho các định chế tài chính với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngoài ra, đoàn cũng đã tổ chức cho các NĐT thăm và làm việc với các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu như: Vingroup (VIC), Hòa Phát (HPG), Vietcombank (VCB), Masan (MSN), Vietjet (VJC), HDBank (HDB), IDICO (IDC).
Chia sẻ với NĐT ngoại về triển vọng TTCK Việt Nam, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối nghiên cứu phân tích MSVN, đánh giá triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ là điểm nhấn đầu tư mạnh mẽ giúp định hình lại TTCK trong giai đoạn 2024-2025.
Nếu thị trường được nâng hạng, tăng trưởng EPS của VN Index có thể đạt các mức dự phóng 4%, 20% và 15% cho các năm 2023, 2024 và 2025. P/E mục tiêu của thị trường Việt Nam sẽ tăng lên mức 18x. Với định giá này, VN Index có thể bứt phá lên mức 2.300-2.500 điểm và giúp dòng vốn ngoại chảy mạnh vào TTCK Việt Nam.
Dòng tiền tại các nhóm ngành dẫn dắt tâm lý đợt vừa qua như bất động sản, chứng khoán, đầu tư công đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Điều này củng cố thêm quan điểm cho rằng thị trường có xu hướng đi ngang trong tháng 10.