Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ

(ĐTTCO) - Báo cáo tình hình thực hiện các công trình, dự án giao thông trọng điểm trong nửa đầu năm nay của Bộ GTVT, cho thấy cả nước đang thực hiện 23 dự án đường bộ (vốn đầu tư 509.296 tỷ đồng).
Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ

Bên cạnh đó, có 7 dự án đường sắt (vốn đầu tư 195.530 tỷ đồng), 4 dự án đường thủy (vốn đầu tư 50.135 tỷ đồng), 3 dự án hàng không (vốn đầu tư 354.057 tỷ đồng). Bộ này đánh giá cơ bản các dự án đạt tiến độ đề ra, nhưng một số dự án chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) do vướng thủ tục giải ngân vốn ODA, chậm bố trí ngân sách dẫn đến chậm tiến độ. 

Cụ thể, 17 dự án trọng điểm thuộc tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đến tháng 6-2017 mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2017, đã ảnh hưởng đến tiến độ GPMB và giải ngân chung của các dự án. Việc bố trí vốn chậm khiến dự án đầu tư xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao đường sắt chuyên dùng của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn với Quốc lộ 1 chậm 3 tháng. Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, phần vốn vay JICA vượt tiến độ 1,43%, phần vốn vay ADB chậm tiến độ 6,4% do thiếu vốn đối ứng cho GMPB. 

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tiến độ tổng thể đạt 76,8% giá trị sản lượng, chậm 13,6% do các vướng mắc về GPMB. Tính đến giữa tháng 3, đã bàn giao mặt bằng tuyến chính nhưng vẫn còn vướng tại 17 vị trí đường ngang, nút giao. Với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ do khó khăn trong đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng với các VietinBank, BIDV. Dự án nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2) đến nay mới hoàn thiện công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật 

Trong khi đó, tiến độ thi công 7 tuyến đường sắt tại Hà Nội, và TPHCM, như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù công tác xây lắp trên tuyến cơ bản hoàn thành, nhưng còn một số hạng mục của dự án bị chậm như lan can kính, cửa nhôm kính khu Depot, trần nhôm tại một số nhà ga… Hiệp định vay vốn với các đối tác Trung Quốc đã được ký kết từ tháng 5-2017, nhưng các thủ tục về hiệu lực của hiệp định chưa có hiệu lực, khiến dự án chậm giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội cũng vướng thủ tục giải ngân ODA. Đối với gói thầu CP06, Bộ KH-ĐT đã có công hàm gửi Cơ quan kinh tế, Đại sứ quán Pháp để mở quyền rút vốn thi công gói thầu, nhưng lại gặp phải vướng mắc do kế hoạch giao vốn ODA năm 2017 còn lại của dự án không đủ để giải ngân.

Tại TPHCM, dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên hiện đã đạt được 36% khối lượng, đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Nhưng do hạn chế về kế hoạch giao vốn ODA nên công tác thanh toán cho các gói thầu gặp khó khăn. Theo tính toán của Bộ GTVT, vốn phân bổ theo kế hoạch giao vốn ODA cả năm 2017 chỉ đáp ứng cho dự án thực hiện đến hết tháng 6-2017. Đến nay, Bộ KH-ĐT mới bố trí được  2.119/5422 tỷ đồng tổng nhu cầu vốn ODA trong năm 2017 cho dự án.

Các tin khác