Nâng cao năng suất lao động không phải là câu chuyện mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay lại đang là thách thức lớn với rất nhiều DN. Bởi lẽ, cuộc cạnh tranh đang ngày càng mở rộng phạm vi không chỉ giữa DN Việt Nam với nhau mà cả với DN trong khu vực và thế giới.
Những con số biết nói
Tại một buổi hội thảo bàn về câu chuyện sản xuất và năng suất hồi đầu tháng 3 vừa qua tại TPHCM, trước khi trình bày những nội dung trong bài thuyết trình của mình, diễn giả đã đưa ra tình huống như sau: 1 DN phải hoàn thiện 100 triệu lá thư để gửi cho khách hàng toàn cầu. DN này thuê 4 công nhân để thực hiện với 4 công đoạn bao gồm xếp thư, bỏ thư vào bao, dán tem thư và đóng mộc bao thư (mỗi công đoạn được cho một khoảng thời gian giả định để hoàn thành).
Câu hỏi được diễn giả đặt ra cho các lãnh đạo DN ngồi phía dưới là sử dụng phương pháp nào sẽ tăng năng suất lao động: mỗi người sẽ được giao làm 1 công đoạn, hay mỗi người sẽ làm riêng cả 4 công đoạn trên. Hơn 90% số người có mặt trong buổi hội thảo chọn phương án 1 và chỉ khoảng 10% chọn phương án 2. “Cách 1 nhanh hơn đó là suy nghĩ truyền thống, nhưng thực chất cách 2 mới nhanh hơn bởi nó giúp rút ngắn số lượng công đoạn” - diễn giả này nói.
Điều này đang cho thấy một thực tế là những suy nghĩ cũ, ít sự cải tiến đang trở thành một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự L&A, chia sẻ cải tiến nên trở thành một nét văn hóa của các DN. “Trong quá trình tư vấn và đánh giá DN, chúng tôi nhận thấy các công ty toàn cầu dù làm rất tốt nhưng cải tiến luôn là văn hóa. Họ phải cải tiến mới tồn tại được” - ông Đức nhấn mạnh.
Tính cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong nước và quốc tế về năng suất lao động của Việt Nam. Đây được coi là những con số biết nói, đánh thức những ai còn đang “ngủ mê”. Theo kết quả một khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế ILO thực hiện trong năm 2014, năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với một số nước trong khu vực.
Cụ thể, ở Thái Lan, Indonesia, chi phí lương bình quân đối với ngành dệt may là 3USD/giờ, Việt Nam chỉ mới đạt mức 1,5USD/giờ. Không chỉ trong ngành dệt may mà trong một số ngành sản xuất khác của Việt Nam, năng suất lao động của DN nội so với DN ngoại vẫn còn kém khá xa. Một minh chứng được đưa ra từ đại diện của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, năng suất lao động trong ngành này ở Việt Nam bằng 2/5 ở Thái Lan, bằng 1/5 ở Malaysia và bằng 1/17 ở Singapore.
Thách thức phải vượt qua
Việt Nam càng hội nhập sâu việc tăng năng suất lao động càng là yếu tố sống còn, là thách thức buộc phải vượt qua của các DN Việt. Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam: “Không chỉ riêng Việt Nam, hầu hết các nước đều đang thực hiện các chương trình để cải thiện năng suất. Trong khi đó cơ hội của Việt Nam để nâng cao năng suất lao động nhiều hơn họ. Điều này giống như một người đi học, từ điểm 5 lên điểm 7 rất dễ, song từ điểm 8 lên điểm 9 khó hơn nhiều”.
Để cải tiến năng suất lao động, câu chuyện đổi mới trang thiết bị máy móc là điều khiến không ít DN phải băn khoăn, nhất là DNNVV. Giám đốc một DN thuộc ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ từng nhiều lần chia sẻ với ĐTTC, vốn đang là bài toán đau đầu nhất. Nhiều khi ngân hàng gõ cửa cho vay nhưng không dám vay. Như vậy làm sao đổi mới trang thiết bị máy móc để phát triển sản xuất.
Năng suất lao động ở Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực. |
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, đổi mới công nghệ chỉ là một phần trong nỗ lực tăng năng suất lao động. Có nhiều vấn đề khác trong DN cũng cần phải được khắc phục ngay. Một câu hỏi là cũng với máy móc như vậy làm sao để năng suất được cải tiến hơn. Câu trả lời là phải tập trung vào việc cải tiến năng suất lao động của người lao động.
Về vấn đề này, ông Ngô Đình Đức phân tích: “Những nghiên cứu của L&A chỉ ra rằng có những yếu tố tác động đến năng suất lao động DN cần phải xem xét lại, như cấu trúc tổ chức của DN, kỹ năng của người lao động, bố trí lao động sản xuất khoa học”. Chỉ riêng yếu tố cấu trúc tổ chức của DN, một nghiên cứu mới đây của L&A với 100 DN đã niêm yết lên sàn chứng khoán cũng rất đáng quan tâm.
Theo đó, khoảng 67% cơ cấu DN được xây dựng đơn tuyến và cồng kềnh, theo chức năng nhiều; năng suất của bộ phận gián tiếp không hiệu quả; 90% các hệ thống chức danh (chức danh của công việc) rất tùy tiện, không theo nguyên tắc nào. Điều này làm phát sinh thêm lao động đồng nghĩa với việc năng suất lao động giảm. Ngoài ra, tại nhiều DN, các vị trí lao động sắp sếp theo liệt kê đầu công việc, không phân tích, không sát thực tế; quy trình làm việc gần như không cập nhật như 85% không cập nhật, cải tiến quy trình làm việc hàng năm; 98% đào tạo kỹ năng cho nhân viên dưới 48 giờ/năm.
Thực tế ngày càng minh chứng rằng khi hội nhập sâu và giao thương giữa các nước trong khu vực, thế giới không chỉ dừng ở hàng hóa mà còn là tự do lao động, nhân công giá rẻ chắc chắn không còn là lợi thế cho DN và thị trường Việt Nam. Vì lẽ đó, tăng năng suất lao động là con đường duy nhất DN phải lựa chọn để đi.