Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến nay, nhiều khoản vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đang có mức nợ xấu cao, nguy cơ khó thu hồi nợ.
Trên địa bàn tỉnh có 69 tàu cá vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; trong đó, có 10 tàu dịch vụ hậu cần, 58 tàu khai thác hải sản và 1 tàu nâng cấp.
Với tổng số tiền các ngân hàng đã giải ngân là hơn 1.017 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng cho vay đã thu nợ được 210 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 48/69 khoản vay của các chủ tàu đã rơi vào nhóm nợ xấu có khả năng mất vốn với dư nợ là 717,6 tỷ đồng, chiếm 87,8% dư nợ của chương trình; trong đó có 19 tàu cá hiện đang hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả nợ được gốc, lãi cho ngân hàng theo cam kết.
Đặc biệt, có 29/69 tàu có hoạt động nhưng chây ì, không thiện chí hợp tác với ngân hàng để trả nợ và 1 tàu cá chưa đi vào hoạt động được do chưa hoàn thành đăng kiểm.
Trước thực trạng trên, các ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đối với các chủ tàu. Đồng thời, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 24 chủ tàu.
Tuy nhiên, khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu trên địa bàn tỉnh vẫn ngày càng tăng cao. Do đó, đến nay đã có 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khởi kiện ra tòa đối với 27 khoản vay của 24 chủ tàu với dư nợ xấu hơn 360 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua sở đã phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiến hành khảo sát, làm việc với chủ tàu cá vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để nắm bắt tình hình hoạt động khai thác thủy sản và trả nợ lãi gốc của các chủ tàu.
Đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu về ý nghĩa, ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đúng hợp đồng tín dụng đã ký, nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay; mua bảo hiểm tàu cá của ngư dân.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên chỉ đạo Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp các chi nhánh ngân hàng thương mại, các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các chủ tàu hoạt động cầm chừng, không có khả năng trả được nợ vay.
Qua kết quả làm việc, một số chủ tàu nhận thức được nghĩa vụ trả nợ; bên cạnh đó một số chủ tàu mặc dù đã tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu về ý nghĩa, ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đúng hợp đồng tín dụng đã ký.
Đối với một số chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không còn khả năng trả được nợ, qua làm việc các chủ tàu và theo tâm tư nguyện vọng, chủ tàu đã thống nhất đề nghị các chi nhánh ngân hàng thương mại chuyển hồ sơ khởi kiện vụ việc cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Nghị định 67/2014/NĐ-CP được đánh giá là hệ thống chính sách đồng bộ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau một thời gian thực hiện, nhiều tàu hoạt động không hiệu quả do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng cao, ngư trường cạn kiệt, giá bán hải sản giảm, đi biển thất thu, thua lỗ. Một số tàu phải nằm bờ, khó có khả năng trả nợ cho ngân hàng theo như hợp đồng đã ký kết.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở Nông nghiệp và đã kiến nghị Chính phủ có chính sách cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hỗ trợ việc duy tu, sửa chữa; chính sách bảo hiểm, chuyển đổi chủ tàu để tháo gỡ khoản vay nợ xấu.
Đồng thời, Sở kiến nghị Chính phủ hỗ trợ việc duy tu, sửa chữa, chính sách bảo hiểm; chính sách chuyển đổi chủ tàu để tháo gỡ khoản vay nợ xấu với các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.