Nhiều khu du lịch mở cửa đón khách tham quan

(ĐTTCO) - Chiều 1-5, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết, trong 2 ngày lễ 30-4 và 1-5 có hơn 40.000 lượt khách đăng ký lưu trú khi đi nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Trong khi đó, các khu điểm du lịch sau khi mở cửa đón khách đều phải thực hiện các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ghi nhận trong 2 ngày lễ 30-4 và 1-5, các điểm tham quan tại Đà Lạt đã đón khách trở lại sau thời gian dài đóng cửa, tuy nhiên lượng khách giảm rất nhiều so với các dịp lễ trước đó. Tại cổng ra vào, các đơn vị bố trí lực lượng đo thân nhiệt, chuẩn bị nước sát khuẩn và hạn chế lượng khách không quá 30 người trong từng đợt.

“Hai ngày qua lực lượng chức năng đã xử phạt 80 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên còn nhiều trường hợp du khách có khẩu trang trong người chỉ khi thấy lực lượng chức năng mới lấy ra đeo, gây khó khăn cho đoàn xử lý”, bà Loan cho biết thêm.

Nhiều khu du lịch mở cửa đón khách tham quan ảnh 1Đo thân nhiệt du khách trước khi tham quan Vườn hoa Đà Lạt.  Ảnh: Đoàn Kiên

Chiều 1-5, ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết, trong dịp lễ 30-4 và 1-5, lượng khách đến khu du lịch khá đông, với hơn 2.400 lượt khách, trong đó hơn 70% là khách ngoài tỉnh. “Dù lượng khách chưa bằng dịp lễ năm trước, tuy nhiên với số lượng như vậy cũng là khả quan, nhất là các khu du lịch mới đưa vào hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng để phòng chống dịch”, ông Trường nhận định. 


Cũng theo ông Trường, trong quá trình mở cửa đón khách (từ ngày 29-4), Ban quản lý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước diệt khuẩn do Ban quản lý bố trí, không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung từ 30 người trở lên trong khu du lịch… Hiện tại, đường về mũi Cà Mau đã thuận lợi, hạ tầng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau cũng được đầu tư cơ bản. Bên cạnh đó còn có các công trình tạo điểm nhấn như biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, cụm công trình Tượng Mẹ và Đền thờ Lạc Long Quân, Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau… Vì vậy, gần đây Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau thu hút khá nhiều du khách đến tham quan.

Tại An Giang, nhiều khu du lịch cũng bắt đầu thu hút đông du khách trở lại trong dịp nghỉ lễ. Ông Lý Thanh Sang, Giám đốc Khu du lịch cáp treo Núi Cấm (An Giang), cho biết, chỉ tính riêng 2 ngày 30-4 và 1-5, nơi này đón hơn 4.000 lượt du khách. Khu du lịch thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19, thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn các điểm du lịch, phương tiện… Nếu như trước đây mỗi cabin đưa du khách lên Núi Cấm đi khoảng 8 người/cabin thì nay giảm xuống còn 4 người/cabin nhằm đảm bảo phòng chống dịch. 

Chiều 1-5, bà Trần Thị Tuyết Em, Trưởng ban Quản lý Khu di tích văn hóa lịch sử và du lịch Núi Sam (An Giang), cho biết, trong 4 ngày gần đây có khoảng 8.000 lượt du khách xa gần đến tham quan, viếng chùa Bà… Điều đáng mừng là dù mới mở cửa hoạt động trở lại nhưng lượng du khách đến tăng dần. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, các điểm du lịch đều nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; ngành chức năng bố trí từng đợt để du khách và người dân thay phiên nhau vào cúng viếng Bà Chúa Xứ, không đi quá đông người cùng lúc… 

Trong ngày 1-5, ghi nhận  tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Bãi Trước và Bãi Sau, gần như không một bóng người tắm biển, trên bờ thì lượng du khách đã ít hơn ngày hôm trước. Trong khi đó, hàng chục ngàn lượt khách tiếp tục đổ về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham quan, nghỉ dưỡng nhưng thay vì ra các bãi biển thì du khách chọn lên núi Nhỏ, núi Lớn hoặc tìm về các huyện có khu du lịch mát mẻ để nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Đại diện một số khu du lịch trên địa bàn cho biết, mặc dù cấm tắm biển nhưng công suất phòng vẫn đạt từ 80%-100%, du khách vẫn có thể tắm hồ bơi, thưởng thức hải sản, nghỉ dưỡng và chụp hình với biển. 

Sở Du lịch TPHCM vừa phối hợp CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cùng các doanh nghiệp lữ hành ra mắt chùm tour “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”. Các vị khách đầu tiên của tour này được cải trang thành chiến sĩ biệt động, đi ô tô và xe máy cổ mà biệt động Sài Gòn từng sử dụng; được chui hầm, ăn uống tại nơi mà các anh thường tập kết… Một số điểm gồm: Căn cứ của lực lượng biệt động Sài Gòn (Cơm tấm Đại Hàn - Cà phê Đỗ Phủ, thường được gọi là cà phê Vợt, số 113A Đặng Dung, quận 1); Di tích Lịch sử Quốc gia (287/2 Võ Văn Tần, quận 3, nơi cất giấu vũ khí bí mật); Bảo tàng thông minh, lưu giữ lịch sử hoạt động và kỷ vật của Biệt động Sài Gòn (số 145 Trần Quang Khải, quận 1)...

Các tin khác