Nhiều doanh nghiệp cán đích kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng
Theo báo cáo chiến lược tháng 8 vừa được CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố, thu nhập quý II tăng trưởng mạnh mẽ và 1 tháng giảm điểm của thị trường đã khiến định giá trở về mức hấp dẫn hơn. Cụ thể, 288/378 công ty niêm yết trên HoSE đã công bố kết quả kinh doanh quý II (tính đến ngày 3-8), với mức tăng trưởng của tổng lợi nhuận sau thuế đạt 46,1%.
Cùng với việc VN Index giảm 7% trong tháng 7, hệ số P/E của chỉ số này đã giảm từ 19,2x xuống 16,5x vào cuối tháng 7, tương đương với mức thấp 16x vào cuối tháng 1-2021. Ở mức định giá này, VDSC kỳ vọng mức định giá hấp dẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng trong 6 tháng cuối năm 2021.
Theo VDSC, TTCK có thể được củng cố hơn nữa, bởi lượng tiền mặt dồi dào sẵn có của các NĐT cá nhân, vốn dường như vẫn hiện hữu trên TTCK do việc phong tỏa đã cản trở dòng tiền chảy qua các kênh đầu tư khác.
“Điều này một phần được chứng minh bằng sự phục hồi của thị trường trong nửa đầu tháng 7, mặc dù có sự gia tăng các ca nhiễm COVID mới và kéo dài thời gian phong tỏa. Hơn nữa, tin tức về các lô vaccine được đưa về Việt Nam tăng lên hàng tuần, có thể sẽ củng cố thêm tâm lý thị trường”, theo báo cáo phân tích của VDSC.
Trong danh sách CP theo dõi của VDSC, 3 ngành đã gần như hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, đó là thép (98%), bảo hiểm (101%) và phân bón (197%).
Trong khi có 10/19 ngành nhìn chung ghi nhận thu nhập tốt hơn mong đợi, vượt 50% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 sau 6 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, theo VDSC, điều này không có nghĩa là kết quả từ các ngành còn lại kém hơn mong đợi. Ngược lại, một số công ty sẽ có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Những lĩnh vực hấp dẫn
Cụ thể, theo báo cáo phân tích của VDSC, các lĩnh vực đang có định giá hấp dẫn và ít bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội này sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn. Kỳ vọng vào các công ty xuất khẩu những loại hàng hóa/dịch vụ với tiềm năng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm (NKG, HSG, FPT), và các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho vận tải quốc tế (GMD, PVT) sẽ mang lại hiệu suất vượt trôi.
Theo VDSC, điều này dựa trên kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Các nước hiện đã có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, cho phép họ mở cửa nền kinh tế một cách rộng rãi hơn.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như ngành tiêu dùng thiết yếu (MSN) cũng sẽ hoạt động tốt, do nhu cầu đối với thực phẩm đóng gói tăng vọt sau khi diễn ra phong tỏa trong thời gian dài.