TTCK Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 có lúc VN-Index đã tăng gần 28% so với đầu năm - mức tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.
Mặc dù điểm trừ cho TTCK Việt Nam là khối ngoại bán ròng đến 30.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng nhà đầu tư mới trong nước (gọi là nhà đầu tư F0) “cân” hết lực bán ròng lớn của khối ngoại, nên đã giúp TTCK thăng hoa trong 2 quý đầu năm 2021.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 621.000 tài khoản chứng khoán chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả 2 năm 2020 và 2019. Thanh khoản thị trường liên tục lập kỷ lục với nhiều phiên lên đến 23.000 - 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), thậm chí có phiên lên đến gần 30.000 tỷ đồng.
Theo giới chuyên môn, việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố; trong đó, lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng thấp, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại đối với nhà đầu tư cá nhân, kênh đầu tư vàng đang chựng lại… là các nguyên nhân chính.
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian gần đây, số thu thuế trong lĩnh vực chứng khoán tăng mạnh.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2021, thuế thu nhập cá nhân từ lĩnh vực chứng khoán tăng 320% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu từ Cục Thuế TPHCM cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán tăng kỷ lục 221% - là lĩnh vực có số thu tăng cao nhất, góp phần đưa số thu thuế thu nhập cá nhân 4 tháng đầu năm tại TPHCM tăng 7,12%.
Thanh khoản tăng mạnh như trên, ngoài dòng tiền từ nhà đầu tư mới liên tục nhập cuộc thì còn có sự hỗ trợ từ dòng tiền margin (cho vay đòn bẩy) của các công ty chứng khoán (CTCK). Sự gia nhập mạnh mẽ của nhà đầu tư F0 đã kéo dư nợ margin tại các CTCK lên cao kỷ lục.
Thống kê trên thị trường cho thấy, cuối quý 2-2021, dư nợ cho vay của các CTCK lên tới 145.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dư nợ margin, tăng khoảng 35.000 tỷ đồng so với cuối quý 1-2021. Hầu hết các CTCK trên thị trường đều tăng trưởng dư nợ mạnh trong quý 2-2021.
Thời gian qua, các CTCK đã đẩy mạnh tăng vốn, đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường bùng nổ, qua đó khiến cuộc đua dư nợ margin, thị phần trở nên gay gắt.
Mới đây, CTCK SSI vừa ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức lên tới 100 triệu USD vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu lãnh thổ Đài Loan, có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế. Trong bối cảnh dư nợ vay margin của các CTCK đang tăng cao kỷ lục, thông tin SSI ký hợp đồng nói trên là động lực mới cho thị trường.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ cuối quý I-2020 đến nay, dư nợ cho vay margin tăng lên gần 3 lần, đạt gần 110.000 tỷ đồng. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức huy động vốn trên TTCK ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 30-6, vốn hóa TTCK đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này với diễn biến khó lường đã tác động tiêu cực đến TTCK Việt Nam trong tháng 7-2021. VN-Index phiên cuối tuần qua đã giảm đến 1,9% do lực bán mạnh vì tâm lý e ngại của nhà đầu tư.
Theo đó, TTCK Việt Nam đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp và đã giảm khoảng 12% so với đầu tháng 7. Không chỉ chỉ số giảm mạnh mà thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh từ mức trung bình 22.000 - 23.000 tỷ đồng trong tháng 6 giảm xuống dưới 20.000 tỷ đồng/phiên, cá biệt phiên giao dịch ngày 16-7 thanh khoản chỉ ở mức 18.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dòng tiền lớn có thể sẵn sàng quay lại thị trường khi những yếu tố như dịch bệnh giảm bớt, tiến độ tiêm vaccine Covid-19 khả quan hoặc khi VN-Index về mức điểm hấp dẫn dưới 1.200 điểm.
Thống kê từ các CTCK cũng cho thấy, đến cuối quý II-2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 86.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21.000 tỷ đồng so với quý trước và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân.
Các chuyên gia phân tích nhận định, động lực giúp TTCK sẽ tích cực hơn trong thời gian tới là chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng, ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho TTCK. Bên cạnh đó, hiện giá cổ phiếu đã giảm khá sâu và trở nên hấp dẫn hơn.
Do đó, TTCK vẫn tích cực trong trung và dài hạn, tuy nhiên trong quý 3-2021 sẽ tồn tại nhiều biến số bất định. Tăng trưởng GDP quý 3 và lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể sẽ giảm rất mạnh khiến tăng tâm lý thận trọng giai đoạn này. Thị trường có thể có những phiên giảm điểm mạnh nếu các thông tin tiêu cực được công bố.