Số lượng tài khoản CK mở tăng vọt, liên tiếp phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Làn sóng nhà đầu tư (NĐT) F0 bùng nổ giúp TTCK thăng hoa, các cổ phiếu (CP) tăng điểm như vũ bão. Nhưng năm nay có vẻ cũng chính lý do này lại làm thị trường giảm điểm. Vì sao?
Thực ra tình hình dịch bệnh lần thứ tư bùng phát phức tạp chưa có hồi kết đã làm các tổ chức quốc tế như Goldman Sach, ADB, Standard Charter liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các nước Đông Nam Á, cũng như việc phong tỏa quá lâu khiến ngay cả người lạc quan nhất cũng lo lắng, và TTCK đương nhiên không thể không bị ảnh hưởng.
Dù rằng một số công ty vẫn báo lãi khủng, nhiều ngành nghề vẫn kinh doanh được, nhưng do nhóm tăng thì tăng mạnh còn nhóm giảm như du lịch, khách sạn, nhà hàng… đều thê thảm nên chỉ số trung bình không quá xấu, song nội tại rõ ràng là không ổn khi 2 đầu của 1 sợi dây bị kéo quá căng.
Kinh tế thế giới phân cực tác động xấu đến TTCK
Kinh tế thế giới phân cực tác động xấu đến TTCK
Bên cạnh những yếu tố trong nước, thì yếu tố tác động mạnh không kém là kinh tế thế giới đang phân 2 cực khác nhau. Châu Âu và Mỹ nhờ vaccine triển khai sớm trên diện rộng giúp kiểm soát dịch bệnh tốt lại đang lo ngại về lạm phát tăng quá nhanh, như Mỹ lạm phát tháng 6 tăng mạnh nhất 13 năm (từ 2008) đến mức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thừa nhận rằng lạm phát đang mạnh hơn những gì họ dự đoán, dấy lên nhiều dự báo Fed sẽ sớm thắt chặt cung tiền.
Nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn thế giới đã nâng lãi suất hoặc thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là Canada vì đây là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 làm như vậy khi NHTW Trung Quốc (PBoC) thu hẹp quy mô các gói kích cầu.
Nhưng điều đó vẫn chưa là gì với NHTW Nga vào cuối tháng 7 đã tăng lãi suất thêm tới 100 điểm cơ bản lên mức 6,5% (bình thường 1 NHTW chỉ tăng/giảm 25 điểm cơ bản mỗi lần điều chỉnh), mức tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2014 sau khi lạm phát tiêu dùng hàng năm vượt quá kỳ vọng lên mức cao nhất 5 năm (từ 2016) với mức lãi suất khi đó là 10,5%.
NHTW Nga cho biết điều này có thể chưa dừng lại trong bối cảnh lạm phát đang đe dọa nền kinh tế. Đây là hành động không bình thường của 1 NHTW cho thấy tình hình không hề dễ chịu.
NHTW Châu Âu (ECB) lần đầu tiên kể từ khi khai sinh đồng Euro, cũng đã nâng mức lạm phát mục tiêu trong một động thái thừa nhận giá cả tăng cao và sức ép từ giá nhà đất tăng vọt. Phân tích của Bloomberg Economics cho thấy, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu cảnh báo bong bóng tương tự như hồi khủng hoảng 2008, làm dấy lên những lời cảnh báo về mất cân bằng tài chính và bất bình đẳng dâng cao. Mức giá nhà trung bình tại Mỹ trong tháng 6 cũng lên tới 363.000USD/căn, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức kỷ lục lịch sử.
Các công ty đa quốc gia, sản xuất hàng hóa cũng tăng giá hàng loạt sản phẩm dịch vụ của mình. Unilever PLC công bố đã tăng giá bán hàng hóa thêm 1,6% trên toàn cầu, và dự kiến sẽ phải tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Hãng sản xuất xà phòng Dove và mayonaise của Hellmann mới đây đã cảnh báo về khả năng giá cả nhiều loại mặt hàng sẽ đồng loạt tăng, bởi chi phí đầu vào của các hãng hiện đã tăng quá nhiều.
Ngược lại với châu Á và Đông Nam Á vẫn đang vật lộn với dịch bệnh chưa có hồi kết khi mà vaccine vẫn còn triển khai chậm. Do đó ngay cả khi tình hình dịch bệnh được khống chế các quốc gia phải lo phát triển kinh tế trong bối cảnh các nước phương Tây đã xuất khẩu lạm phát ra toàn cầu.
Vì thế các NHTW khu vực này sẽ mắc kẹt giữa việc duy trì chính sách nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thắt chặt tiền tệ để chống lại lạm phát. Điều này gây lo ngại khả năng nền kinh tế rơi vào tình trạng “đình lạm”, là thuật ngữ dùng để chỉ kinh tế đình đốn trong bối cảnh lạm phát tăng cao dẫn đến tác động xấu tới TTCK.
Nên đầu tư gì khi TTCK giảm điểm
Đầu tiên là nhận diện xu hướng chung của thị trường nhờ vào quan sát dòng tiền, và cẩn thận nhận sự tư vấn đặc biệt thiếu khách quan từ những đội nhóm: Thứ nhất là họ chỉ làm thuần túy về CK, CK là nồi cơm của họ, họ sẽ kém khách quan và chủ yếu họ cố gắng nói tốt bất kể tình hình thị trường ra sao trong khi túi tiền là của NĐT.
Thứ hai, vẫn có thể họ khách quan, nhưng do họ chỉ chuyên đầu tư CK, không biết đầu tư những lĩnh vực khác. Thứ ba, họ có biết những lĩnh vực khác nhưng không có kỹ năng đầu tư trong những lĩnh vực đó và không có tư duy mở.
Ngoài ra cần nhận diện được mức độ an toàn và rủi ro của các kênh đầu tư để từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. Các kênh đầu tư được xem là kênh đầu tư an toàn: Trái phiếu chính phủ, tiết kiệm, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, vàng vật chất, Đồng fran Thụy Sỹ - CHF, Yên Nhật – JPY.
Các kênh đầu tư mạo hiểm: bất động sản, CK Việt Nam, CK phái sinh Việt Nam, CK quốc tế, vàng, ngoại hối, tài sản số, tiền mã hóa…
Như vậy tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng NĐT để phân bổ tài sản, xây dựng danh mục đầu tư (DMĐT) phù hợp. NĐT có kinh nghiệm, nhiều kiến thức hoặc có sự tư vấn tốt, chịu rủi ro cao có thể chọn DMĐT có tỷ trọng rủi ro cao và ngược lại nên gia tăng tỷ trọng an toàn để giữ sự cân bằng cho danh mục và sự sinh lời ổn định cho tài sản của mình.