Nhiều người dân phố cổ thà sống khổ chứ không ở tái định cư

VTV.vn - Người dân thuộc diện giãn dân không chịu rời xa phố cổ còn hàng loạt khu chung cư tái định cư phục vụ việc di dân phố cổ rơi vào cảnh hoang phế,...
Nhiều người dân phố cổ thà sống khổ chứ không ở tái định cư

Để bảo tồn phố cổ, ngay từ năm 1998, TP Hà Nội đã công bố đề án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Theo đó, mật độ dân cư phố cổ đang từ 825 người/ha năm 2010 sẽ giảm xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, tương đương khoảng 27.000 người.

Việc giãn dân phố cổ được thực theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 phải hoàn thành vào cuối 2016 với việc di dời gần 1.200 hộ dân sang phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2 phải thực hiện xong trong năm 2020 với việc di dời gần 5.000 hộ dân sang vị trí 30ha tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Theo Tổng điều tra dân số lần thứ 5 về mật độ dân số tại khu phố cổ là 39.830 người/km2, gấp 138 lần mật độ dân số toàn quốc. Kể từ khi Hà Nội công bố đề án giãn dân phố cổ tới nay đã 25 năm nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.

Đề án gần như rơi vào tình trạng bế tắc với hàng loạt vướng mắc về chính sách đền bù, tái định cư, duy trì sinh kế cho người dân... Người dân thuộc diện giãn dân thì không chịu rời xa phố cổ còn hàng loạt khu chung cư tái định cư phục vụ việc di dân phố cổ cứ "nằm im", rơi vào cảnh hoang phế, xuống cấp nhiều năm.

Hàng nghìn căn chung cư tái định cư bỏ hoang

5 block nhà chung cư với quy mô cả nghìn căn hộ được xây dựng từ 2012 trên vị trí 30ha đất vàng bám mặt đường Lý Sơn, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, cỏ dại mọc cao, rác thải vứt bừa bãi. Lối vào hầm để xe tại các tòa nhà đã được bít kín bằng tôn. Cửa chính của các tòa nhà luôn trong tình trạng khóa chặt. Nhiều hạng mục đã xuống cấp, vỡ nát, nhếch nhác…

Dự án phục vụ việc giãn dân phố cổ giai đoạn 2 hoàn thành hạ tầng đã 10 năm vẫn không có người về ở. Để tránh cỏ mọc hoang dại và những người thiếu ý thức đổ trộm rác thải, phế liệu, phóng uế... các hộ dân xung quanh khu vực này đã tận dụng những khoảng đất trống trong khuôn viên dự án để trồng rau.

2 năm trước, những tòa nhà này được thành phố Hà Nội tận dụng làm nơi thu dung bệnh nhân COVID-19 và giao cho quận Long Biên quản lý. Dịch COVID-19 đi qua, 5 block nhà lại trở về tình trạng vắng bóng người, hoang phế và ngày càng xuống cấp. Chính quyền cấp cơ sở cũng rơi vào tình cảnh bị động trong quản lý, bảo trì tài sản hạ tầng. Càng khó hơn khi chính người dân của quận Long Biên phải di dời đi tái định cư ở quận, huyện ngoại thành khác trong khi quỹ nhà tái định cư ngay địa bàn quận vẫn bỏ không.

Những người dân ở đây cho biết, nhiều năm qua, không ít người thuộc diện được tái định cư đã tới xem nhà nhưng tất cả đều một đi không trở lại bởi ai cũng chê chất lượng nhà kém. Hơn nữa, nếu về ở, số tiền đền bù họ nhận được cũng không đủ để đóng cho khoản tiền chênh lệch diện tích nhà.

Dù sống khổ nhưng không di dời khỏi khu phố cổ

Trong khi những khối nhà có vẻ ngoài khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng trên khu đất vàng bám mặt đường lại vắng bóng người, bỏ hoang nhiều năm thì cuộc sống của người dân trong diện giãn dân phố cổ, những người nhiều năm "tam đại đồng đường" "tứ đại đồng đường", nhiều thế hệ trong một gia đình sống chen chúc ngột ngạt trong những căn hộ vẻn vẹn hơn chục m2.

Số nhà 24 trên phố Hàng Buồm, con hẻm hun hút nhỏ chỉ vừa 1 người đi, ngày cũng như đêm, nếu không bật điện sẽ chẳng thấy lối đi. Những căn hộ chật hẹp chỉ trên dưới 10m2 trong số nhà này đều xuống cấp. Nhà bà Lê Thị Chín có tới 9 người của 3 thế hệ cùng chung sống trong căn hộ. Hơn 10 năm trước, căn hộ được cơi nới thêm gác xép khi 2 con trai của bà lấy vợ. Thế nhưng dù sống trong điều kiện chật hẹp bức bối, bà Chín vẫn cho rằng, gia đình bà nói riêng, nhiều hộ gia đình trong khu phố nói chung dù sống khổ nhưng sẽ không di dời khỏi khu phố cổ.

Những hộ dân có mặt tiền kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng ở con phố này cho rằng việc di dời khỏi nơi đang kinh doanh sầm uất và chuyển ra tận ngoại thành mà không có phương án đảm bảo việc làm, thu nhập, đời sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ không một ai chịu dời đi. Ngược lại, với những hộ gia đình phải chen chúc trong các con ngõ nhỏ, thoát khỏi điều kiện sống ngột ngạt bí bách là điều mà họ mong mỏi từng ngày…

Phố cổ - nơi được biết đến là "tấc đất tấc vàng" của Thủ đô, nơi 1m2 có giá tới cả tỷ đồng nhưng đằng sau đó lại là những ngôi nhà cũ kỹ, hạ tầng xuống cấp, ô nhiễm, điều kiện sống của người dân thấp kém…

25 năm đã trôi qua, dù mật độ dân số/m2 gấp tới 138 lần so với mật độ dân của cả nước. Nhiều phố cổ trong lòng Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện công tác bảo tồn bởi vẫn bế tắc với công tác đền bù giãn dân, bế tắc với bài toán sinh kế đi hay ở của 27.000 người dân trong diện di dời.

Các tin khác