Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trường hợp đầu tiên là bệnh nhân H.V.E (73 tuổi, ở Duy Tiên, Hà Nam) đã giết mổ và ăn thịt heo bị bệnh. Sau ăn 1 ngày, ông E bị đau đầu, buồn nôn, sốt cao và hôn mê. Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Đ.V.K (41 tuổi, ở Hưng Yên) bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn sau 9 ngày ăn tiết canh ở chợ.
Theo Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn, hầu hết phải nhập viện trong trường hợp nguy kịch. Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.
Đặc biệt, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn. Khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn heo, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn sản phẩm từ heo chưa được nấu chín hoặc từ heo bị dịch, chết, không ăn tiết canh heo. Đồng thời những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc cần có biện pháp bảo hộ lao động như: đeo găng tay, khẩu trang. Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.