NĐT quan ngại
Ông B.H, một NĐT tại TPHCM, bức xúc cho biết sự cố trong phiên giao dịch cuối ngày hôm qua khiến kế hoạch chốt lời CP dầu khí không thể thực hiện. Đến hôm nay, HOSE lại tiếp tục đóng cửa nên mọi dự tính đều bị “phá sản”. Lo ngại lớn nhất của NĐT này là số CP dự định chốt lời sẽ giảm giá sau khi sàn HOSE mở cửa trở lại vào ngày 24-1.
Lo lắng dường như là tâm trạng chung của các NĐT đang nắm giữ CP đang niêm yết trên HOSE. Bởi ngoài sự quan ngại về sự sụt giảm của CP sau khi sự cố được khắc phục, nhiều NĐT lo lắng tài khoản của mình có bị ảnh hưởng của sự cố.
Lo lắng dường như là tâm trạng chung của các NĐT đang nắm giữ CP đang niêm yết trên HOSE. Bởi ngoài sự quan ngại về sự sụt giảm của CP sau khi sự cố được khắc phục, nhiều NĐT lo lắng tài khoản của mình có bị ảnh hưởng của sự cố.
Thực tế cho thấy, sự cố của HOSE khiến cho giới đầu tư hết sức hoang mang. Ngay cả cơ quan quản lý cũng nhận thức được điều này. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, khi thị trường gặp sự cố, dù ít nay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và lòng tin của NĐT. Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là các sở và cơ quan quản lý cần thông báo kịp thời đến các thành viên thị trường và NĐT để họ biết và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến hoạt động và quyết định đầu tư.
Ông Lê Hải Trà, Thành viên phụ trách HĐQT HOSE, cho biết theo quy chế, đã có quy định kịch bản ứng phó với sự cố hệ thống giao dịch. Trong trường hợp này, HOSE có thể tổ chức lại phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ, xác định giá đóng cửa, nhưng phương án này không khả thi vì hệ thống đang trong quá trình khắc phục sự cố. Phương án thứ 2 có tính khả thi hơn, là lấy giá khớp lệnh cuối cùng của phiên giao dịch khớp lệnh liên tục ngày 22-1 làm giá đóng cửa.
TS. Đinh Thế Hiển, cho rằng dù HOSE công bố khắc phục như thế nào đi nữa thì chúng ta cũng thấy rằng hệ thống phần mềm nói riêng và cả hệ thống giao dịch của sàn không đạt yêu cầu. Bởi một hệ thống giao dịch luôn có dự phòng khi có sự cố sẽ xử lý kịp thời. "Hệ thống giao dịch là linh hồn của sở giao dịch. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đã không tương xứng, nên khi thị trường tăng quy mô, tăng giao dịch đã dẫn đến quá tải" - ông Hiển chia sẻ.
Xử lý nhanh
Điểm đáng ghi nhận trong sự cố lần này là hoạt động xử lý thông tin khá chuyên nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Ngay trong buổi chiều ngày 22-1, UBCKNN đã hối hợp với HOSE và Sở Giao dịch CK Thái Lan, đơn vị cung cấp hệ thống, tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố.
Ngay trong sáng nay, UBCKNN tiếp tục ra thông báo đề nghị các thành viên thị trường tích cực phối hợp với HOSE trong quá trình khắc phục sự cố, thông tin đầy đủ đến các NĐT, tổ chức giao dịch bình thường trở lại khi có thông báo.
Đặc biệt, vì thị trường cơ sở tạm ngừng giao dịch nên chỉ số VN30 sẽ không có biến động trong ngày 23-1. Do vậy, Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) đã khuyến cáo NĐT cân nhắc có quyết định phù hợp đối với các hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 khi tham gia giao dịch ở thị trường phái sinh trong ngày.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI), việc tạm dừng phiên giao dịch HOSE là quyết định kịp thời và cần thiết, nhằm củng cố hệ thống và luôn đặt sự an toàn của nhà đầu tư cũng như của các thành viên khác lên trên hết. Đây cũng là cách giải quyết thông thường mà các sở giao dịch trên thế giới cũng như các nước trong khu vực thường áp dụng.
Do sàn HOSE đóng cửa nên nhiều NĐT đẩy mạnh giao dịch trên sàn HNX và UPCoM. Chốt phiên giao dịch sáng nay, HNX Index tăng 2,39 điểm (tương đương 1,93%) lên 126,27 điểm, UPCoM Index tăng 0,76 điểm (tương đương 1,3%) lên 58,93 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đạt trên 1.260 tỷ đồng.