Tuy nhiên, ngày 28-9, người phát ngôn của Tập đoàn Nestle cho biết, mục tiêu không sử dụng các thành phần nguyên liệu dẫn tới tình trạng phá rừng vào năm 2020 là khó có thể đạt được.
Trong khi đó, Procter & Gamble Co (P&G), doanh nghiệp chuyên sử dụng dầu cọ cùng với các thành phần nguyên liệu để sản xuất bột giặt Tide và các sản phẩm chăm sóc da Olay, cho hay, cũng từng đề ra mục tiêu tương tự đối với các chuỗi cung cấp của doanh nghiệp này vào năm 2020. Tuy vậy, vừa qua, một người phát ngôn của P&G thừa nhận, hãng sẽ không thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Phá rừng được xem là một trong các nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu
Đúng như những nghi ngại trước đó của Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace rằng những cam kết góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng sẽ khó đạt được. Đến nay, ngoài 2 đại gia sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới là Nestle và P&G đã thừa nhận sẽ không đạt được mục tiêu chỉ sử dụng các thành phần nguyên liệu không dẫn tới tình trạng phá rừng vào năm 2020, các đại gia còn lại từ chối hoặc lần lựa không đưa ra cam kết.
Hai công ty sản xuất nước giải khát và thực phẩm PepsiCo Inc, Mars và Mondelez International Inc cho biết, họ không thể đưa ra những cam kết về việc không gây ra tình trạng phá rừng và từ chối cung cấp thông tin chi tiết về bất kỳ mục tiêu nào liên quan tới vấn đề này cho đến năm 2020. Còn Công ty Chế biến thực phẩm và dịch vụ nông nghiệp, tài chính Cargill Inc, nơi chuyên sử dụng các thành phần nguyên liệu như bắp và đậu tương để sản xuất các sản phẩm, hồi tháng 6-2019 cho rằng, doanh nghiệp này nói riêng và ngành chế biến thực phẩm thế giới nói chung sẽ không thể thực hiện được những cam kết về không góp phần gây ra tình trạng phá rừng vào năm 2020.