Trong đó, phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai năm học mới 2023-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tái khẳng định: "Giáo dục đào tạo là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững”; đồng thời đưa ra 5 quan điểm về giáo dục.
Thứ nhất, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.
Thứ hai, phát triển giáo dục đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ của khoa học công nghệ, phù hợp với quy luật khách quan, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan và lấy thực tiễn làm thước đo.
Thứ ba, trong quá trình đổi mới cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc trong giáo dục đào tạo.
Thứ tư, đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình cứ thế mà làm.
Thứ năm, giáo dục đào tạo phải bám sát tư tưởng lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ nhà trường, học sinh, và giáo viên. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Mặc dù, nền giáo dục đối mặt không ít khó khăn và chịu tác động không nhỏ bởi cơ chế thị trường, nhưng bức tranh giáo dục cơ bản vẫn tích cực. Nhìn lại các con số thống kế của năm học 2022-2023, sẽ ít nhiều cảm nhận được.
Chẳng hạn, so với năm học trước, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông trên 1,23 triệu người, tăng gần 72.000 giáo viên; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất và đo lường sự tiến bộ của học sinh; chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng cao; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng 4,6%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và học sinh cấp Tiểu học đúng độ tuổi đều duy trì ở mức cao 99,7%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt mức cao 98,81%; có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%.
Đặc biệt giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng đầu tư từng bước. Hiện cả nước có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh, thành phố, với quy mô gần 102.000 học sinh và trên 1.100 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với quy mô 250.000 học sinh.
Chủ trương tự chủ đại học là đúng nhưng tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận chưa phù hợp. Việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông còn gây tranh cãi.
Tuy nhiên, nhiều tồn tại trong ngành giáo dục cũng cần phải nhìn nhận nghiêm túc. Chủ trương tự chủ đại học là đúng nhưng tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận chưa phù hợp.
Việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông còn gây tranh cãi. Việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đồng bộ với công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm. Việc dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý, thiết kế môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông còn có ý kiến trái chiều. Một số địa phương chưa thực hiện kịp thời biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, chưa ban hành SGK tiếng dân tộc.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, giáo dục phổ thông là giáo dục con người, tạo ra các công dân có phẩm chất và năng lực tốt. Giáo dục phổ thông là nền tảng cho phát triển nhân lực chất lượng cao, giúp con người biết sống, biết mưu cầu hạnh phúc, quan tâm và phát triển đất nước, có trách nhiệm với cộng đồng, gọi là những con người tốt, công dân tốt.
Giáo dục phổ thông có cái khó riêng nhưng nếu được quan tâm đầy đủ và có phương pháp sẽ tốt. Giáo dục phổ thông cho ta thấy nền của giáo dục. Còn giáo dục đại học thể hiện tầm cao, chiều sâu của nền giáo dục; thể hiện tầm vóc trí tuệ con người của đất nước, trình độ của đội ngũ trí thức, trình độ khoa học công nghệ và là biểu hiện của sở hữu nhân tài đất nước.
Không quốc gia nào phát triển mà không cần đến nền giáo dục đại học phát triển. Phát triển giáo dục đại học là bài toán khó, phức tạp, lâu dài và nhiều thách thức so với giáo dục phổ thông.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời, hiệu quả 6 vấn đề đối với ngành giáo dục. Thứ nhất, kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên.
Thứ hai, khắc phục bằng được tình trạng bạo lực trong học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh. Thứ ba, đổi mới hệ thống SGK nhưng phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định tương đối, phát triển.
Thứ tư, nâng cao chất lượng hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên. Thứ năm, rà soát việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông, bảo đảm chất lượng, thực chất, hiệu quả. Thứ sáu, có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, các trường học ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.