Theo Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tình trạng giả mạo thông tin của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế trên không gian mạng thời gian gần đây tăng mạnh.
Cụ thể, kẻ xấu giả mạo là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm của COVID-19.
Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị mã độc tấn công hoặc bị lộ, lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng...
Nhận thấy tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19, nhiều người tìm cách để phòng ngừa và chữa trị, do vậy, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến để quảng bá sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa đảo.
Đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng; giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.
Không chỉ có vậy, đối tượng lừa đảo còn lập nên các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế, như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như đã thỏa thuận.
Một số đối tượng còn tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch COVID-19. Khi người dùng tải về điện thoại của họ sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm trục lợi.
Ngoài ra, đối tượng xấu lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ; như mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng,... nhằm lừa đảo, chiếm tài sản người dùng, xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp, tổ chức.
Hiện đường link ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro này đang lan truyền nhanh và rộng tới người dùng Việt Nam như: "Adidas kỷ niệm 100 năm - nhấn vào để nhận quà"; tin nhắn kêu gọi tham gia "Quỹ phúc lợi Coca-Cola"; mạo danh Co.opmart gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng...
Cũng liên quan đến dịch COVID-19, các đối tượng xấu còn tổ chức lừa đảo trực tuyến liên quan đến hoạt động từ thiện, đầu tư (chung đầu tư cung cấp dịch vụ xét nghiệm, chữa trị, cung ứng vật tư phòng, chống dịch bệnh) để lừa đảo, chiếm đoạt tiền...
Cũng theo NCSC, các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng các kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy.
Vì vậy, NCSC đã nhiều lần cảnh báo về các tình huống lừa đảo trên. Cùng với đó, người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địachỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn.
Trung tâm NCSC sẽ tổng hợp và phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý nhằm hạn chế việc lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng.
Ngoài ra, hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn cũng là một trong những sản phẩm dịch vụ về an toàn thông tin của Trung tâm NCSC đã cung cấp các thông tin xác thực về tổ chức, giúp người dùng nắm bắt chính xác các thông tin tin cậy (website, email, số điện thoại...) của tổ chức.
Cùng với đó, người dân cũng cần tự nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo. Người dùng Internet có thể trực tiếp gửi các đường link lừa đảo hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến https://canhbao.ncsc.gov.vn/#!.