Mới đây, thêm vụ tố giác HMC về việc chuyển nhượng dự án BĐS từ đất công không qua đấu giá; thuê công ty tư vấn về lương với giá khủng, cho thuê mặt bằng giá rẻ…
Chuyển nhượng dự án chỉ chào giá cạnh tranh?
Ông Hứa Văn Hải, người có thâm niên làm việc hơn 20 năm tại HMC, là người đứng ra tố cáo các sai phạm, cho biết: “Khu đất 9.125m2 (tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM) là tài sản của Nhà nước giao cho HMC thuê đất. Khi HMC cổ phần hóa vào năm 2005, khu đất được xem là tài sản của Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để tham gia cổ phần hóa.
Năm 2013, HMC đã đóng tiền sử dụng đất 87 tỷ đồng để thực hiện dự án BĐS. Tuy nhiên, năm 2016, Ban lãnh đạo HMC đã cho chuyển nhượng toàn bộ dự án kèm khu đất cho một tập đoàn tư nhân với giá 102 tỷ đồng (tròn số) nhưng không qua đấu giá, gây thiệt hại cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng”.
Trước việc tố cáo trên, Tổng Công ty Thép Việt Nam (nắm giữ 55,6% vốn cổ phần trong tổng số 210 tỷ đồng vốn điều lệ tại HMC) đã vào cuộc xác minh và trả lời ông Hải: “Việc chuyển nhượng dự án cho đối tác bởi họ có năng lực, để tiếp tục triển khai theo hồ sơ pháp lý đã được các cơ quan thẩm quyền tại TPHCM phê duyệt.
Tại thời điểm đó, dự án hình thành là một chung cư đã được chính quyền phê duyệt, có quy hoạch 1/500, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, không tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất và đã có giấy chứng nhận QSDĐ, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển nhượng toàn bộ dự án. Việc chuyển nhượng đã được UBND TPHCM chấp thuận. Như vậy HMC có đủ cơ sở pháp lý (Điều 49, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014) để chuyển nhượng toàn bộ dự án, chứ HMC không phải bán đất”.
Về việc chuyển nhượng dự án không qua đấu giá, Tổng Công ty Thép Việt Nam lý giải: “Do Luật Đấu giá được ban hành ngày 27-11-2016, và tới ngày 1-7-2017 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi việc chuyển nhượng dự án của HMC thực hiện vào năm 2015-2016, nên phải theo hình thức “chào giá cạnh tranh”. Việc này tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng cho rằng, theo Điều lệ công ty ban hành tháng 3-2010, tại Điều 14 “Quyền và nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông” có quy định: “Quyết định giao dịch bán tài sản công ty hoặc chi nhánh, hoặc giao dịch mua có giá trị từ 50% trở lên tổng giá trị của công ty và các chi nhánh của công ty, đã được ghi trong báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất”. Tổng giá trị của HMC được kiểm toán đến 30-6-2015 là 1.018 tỷ đồng (làm tròn), giá trị chuyển nhượng là 102 tỷ đồng, chiếm 10% tổng giá trị công ty, là thực hiện đúng thẩm quyền.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của báo ĐTTC, HMC là công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ 55,6% vốn, thì đương nhiên dự án chung cư tại khu đất 9.125m2 có giá trị vốn nhà nước rất lớn. Trong tổng số 87 tỷ đồng tiền sử dụng đất mà HMC nộp để có giấy chứng nhận QSDĐ, có 55,6% số tiền này từ ngân sách.
Vì vậy, theo Khoản 2, Điều 83, Nghị định số 43 do Chính phủ ban hành ngày 15-5-2014, quy định trường hợp chuyển nhượng dự án mà bên chuyển nhượng được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thì “phải làm thủ tục như đối với trường hợp bán tài sản gắn liền với đất”.
Ngoài ra, Điều 38, Nghị định số 91 do Chính phủ ban hành ngày 13-10-2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, thì việc sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp cũng quy định cụ thể việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại CTCP. Theo đó, doanh nghiệp chuyển nhượng vốn nhà nước phải “bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch”.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu: “Việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán đấu giá công khai, hoặc thỏa thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị QSDĐ…”.
Thuê tư vấn giá cao, cho thuê tài sản giá thấp
Thuê tư vấn giá cao, cho thuê tài sản giá thấp
Theo đơn ông Hải tố cáo: “Ông Đặng Huy Hiệp, với chức danh Tổng giám đốc HMC, đã tự ý ký hợp đồng để thuê tư vấn về lương và nhân sự của HMC với Công ty L&A, tổng giá trị hợp đồng 900 triệu đồng là không bình thường”.
Về việc này, Tổng Công ty Thép Việt Nam cho rằng: “Trước khi ký với L&A, HMC đã mời 3 công ty tư vấn khác đến để trình bày phương án, cung cấp báo giá… Và cuối cùng đã chọn L&A vì có giá cạnh tranh, thực tế giá trị hợp đồng là 833,8 triệu đồng chứ không phải 900 triệu đồng”.
Về nội dung tố cáo tòa nhà 189 Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM) như sau: “Năm 2013, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT HMC, đã ký với ông Phạm Tấn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) với giá thuê 1 triệu USD/năm. Nhưng đến năm 2016, ông Đặng Huy Hiệp lại ký với VUS 3 năm liền với giá chỉ 570.000 USD/năm, làm thiệt hại cho HMC 1.290.000 USD”.
Song theo kết quả xác minh từ Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng kết luận: “Việc tố cáo là không có cơ sở, chỉ dựa vào điều chỉnh giá từ những phụ lục điều chỉnh giá trước đó”.
Tổng Công ty Thép Việt Nam viện dẫn: “Hợp đồng thuê tài sản ký ngày 12-12-2009, với thời hạn hiệu lực từ ngày 1-3-2010 đến ngày 1-3-2020. Trong đó cứ 3 năm sẽ xem xét điều chỉnh tăng không quá 15% cho mỗi lần tăng giá”. Tuy nhiên, theo ông Hải trên thực tế các lần điều chỉnh giá là giảm chứ không tăng không quá 15% như hợp đồng ban đầu.