Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, mức thu này vẫn áp dụng, nhiều quầy sạp phí tăng gấp 2-3 lần. Buôn bán ế ẩm khiến tiểu thương 'gồng gánh' chi phí không nổi và có ý định bỏ chợ
Tiểu thương bỏ chợ
Bà Hoàng Thị Hải Yến, hộ kinh doanh quần áo may sẵn chia sẻ, gia đình bà kinh doanh tại vị trí 3- chợ Vũng Tàu đã hơn 30 năm. 10 năm trở lại đây, buôn bán ế ẩm, đặc biệt từ sau dịch bệnh COVID-19 đến nay sức mua giảm từ 70-80%, có ngày bà Yến không bán được món hàng nào.
Từ tháng 5 đến tháng 7/2023, chính quyền tăng giá dịch vụ lên gấp đôi nên tiểu thương vô cùng khó khăn. Bà Yến cho biết, nếu nhà nước không điều chỉnh giá dịch vụ thì nhiều khả năng bà và các tiểu thương khác sẽ bỏ chợ.
"Từ 10 năm trở lại đây buôn bán chỉ đủ tiền cho bản thân chứ không lo được cho con cái ăn học. Bây giờ bán ế ẩm, không đủ trang trải cuộc sống thì làm sao đóng phí dịch vụ cho nhà nước. Từ khi dịch bệnh đến nay bà con tiểu thương phải gồng mình, gồng tháng này qua tháng khác, gồng không nổi thì bỏ chợ, ra ngoài kinh doanh. Đề nghị Ban quản lý chợ xem xét lại mức độ quầy sạp ở các cấp, thứ hai là giảm % phí hàng tháng là bà con ổn nhất".
Tương tự, bà Phương tiểu thương chợ Vũng Tàu cho biết, hơn 30 năm nay bà kinh doanh mặt hàng nhựa tại vị trí 1. Đây là vị trí trung tâm nhưng bà cũng không bán được hàng, chưa bao giờ chợ vắng khách như thời điểm này.
"Từ khi dịch bệnh khống chế thì kinh doanh tại chợ càng vắng khách, thê thảm hơn. Bây giờ lại tăng giá mặt bằng thì lại khổ cho dân. Lúc ban đầu phí dịch vụ chỉ 100 ngàn rồi tăng lên gần 300 ngàn. Bây giờ lên đến hơn 500 ngàn đến 600 ngàn. Mong muốn ban ngành chức năng điều chỉnh xuống giá mặt bằng xuống để bà con tiểu thương buôn bán, kiếm sống qua ngày"- bà Phương nói.
Ngừng kinh doanh vẫn thu
Ông Hoàng Văn An, Phó trưởng Ban quản lý chợ Vũng Tàu cho biết, chợ có tổng cộng 1.765 quầy, sạp. Trước thời điểm dịch Covid 19 có khoảng gần 700 hộ kinh doanh nhưng hiện chợ chỉ còn gần 500 hộ đang kinh doanh.
Việc tiểu thương phản ánh về giá thuê quầy, sạp Ban Quản lý chợ đã phối hợp cùng Sở Công Thương và chính quyền địa phương để có phương án điều chỉnh.
Nhiều tiểu thương gồng gánh không nổi chấp nhận đóng sạp, treo bảng cho thuê (ảnh: Lưu Sơn)
Hiện Ban Quản lý chợ Vũng Tàu vẫn thu theo Quyết định 02/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đối với chợ loại 1 ở các vị trí là:1, 2 và 3 tương ứng mức thu từ 55 đến 120 ngàn đồng/m2/tháng. Đối với các quầy sạp đóng cửa, không kinh doanh thì Ban Quản lý cũng vẫn phải thu vì chưa làm thủ tục trả mặt bằng.
"Quầy sạp các hộ tự ý ngưng kinh doanh chúng tôi vẫn tổ chức thu, trừ khi Ban Quản lý chợ tạm ngưng, nghỉ chợ chúng tôi sẽ không thu. Giá sử dụng dịch vụ diện tích bán hàng và do UBND tỉnh quy định. Đối với vị trí quầy sạp thì chúng tôi đã làm theo các bước theo quy trình, để trình UBND TP Vũng Tàu phê duyệt, tuy nhiên đến hôm nay (31/7) chúng tôi chưa nhận được phê duyệt cho nên tháng 7/2023 chúng tôi vẫn thu theo quyết định 02"- ông An nói.
Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, Quyết định 02/2019 thay cho Quyết định 14/2016 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn.
Tiểu thương chợ Vũng Tàu ngao ngán vì buôn bán ế ẩm (ảnh: Lưu Sơn)
Quyết định 02/2019 đã có hiệu lực từ 4 năm qua và các chợ trên địa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã áp dụng. Riêng chợ Vũng Tàu đến nay mới thực hiện là hỗ trợ nhiều cho tiểu thương.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho hay, mức giá thu hiện nay là đúng theo quyết định 02/2019. Sở cùng TP Vũng Tàu đã đối thoại với các tiểu thương, ghi nhận các kiến nghị và đưa ra hướng giải quyết.
Theo VOV