Nhiều tranh chấp do “nhập nhèm” thông tin

(ĐTTCO) - Thị trường BĐS TPHCM vẫn tiềm ẩn những rủi ro, như tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư; phát triển không ổn định theo kiểu lúc quá nóng lúc quá nguội… Nguyên nhân chính vẫn do thị trường thiếu kênh thông tin đầy đủ đáng tin cậy để khách hàng, nhà đầu tư tham khảo.

Nhiều tiềm ẩn rủi ro
Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), toàn TP hiện có khoảng 1.000 chung cư, trong đó hơn 100 chung cư phát sinh tranh chấp. Nội dung tranh chấp chủ yếu xoay quanh việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, quỹ thu phí quản lý vận hành chung cư; sở hữu chung, riêng; chất lượng công trình; quản lý, khai thác, kinh doanh bãi giữ xe, các không gian có thể sinh lợi, phòng sinh hoạt cộng đồng; an toàn phòng cháy chữa cháy...
Thời gian gần đây việc tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt hơn. Bên cạnh đó, có những phần tử xấu tìm cách chui vào các ban quản trị chung cư nhằm mục đích trục lợi. HoREA đề nghị quan tâm xử lý không để tranh chấp chung cư trở thành điểm nóng năm 2019. 
Mới đây, hàng chục khách hàng đã căng băng rôn trước dự án Tân Bình Apartment để đòi nhà và gửi đơn cầu cứu lên Sở Xây dựng TP. Theo đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình cam kết bàn giao nhà cho khách hàng cuối tháng 3-2016, nhưng đến nay mới một số căn hộ được bàn giao. Nhiều khách hàng dù đã đóng 95% giá trị căn hộ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà.
Không chỉ dây dưa trong việc bàn giao nhà, nhiều trường hợp chủ đầu tư thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra còn có những dự án quy hoạch đầy đủ các tiện ích như siêu thị, công viên, sân chơi cho trẻ em, khu thể dục thể thao... nhưng khi bàn giao nhà cho cư dân, chỉ có vài hạng mục được thực hiện. 
Nhiều tranh chấp do “nhập nhèm” thông tin ảnh 1 Khách hàng tham quan dự án FiveStaEco city.  
Một hình thức rủi ro khác cho khách hàng khi tham gia thị trường BĐS trong giai đoạn cơn sốt đất, đã đẩy giá trị thực lên cao. Năm 2017 và 2018, thị trường BĐS TPHCM đã xảy ra nhiều đợt sốt ảo giá đất nền, đất nông nghiệp. Thủ phạm chính là giới đầu nậu và cò đất, trong nhiều trường hợp có thể đã móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở để phân lô tách thửa tràn lan.
Họ cung cấp những thông tin giả (hoặc thông tin nửa đúng nửa sai) về quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án khu đô thị mới... trên các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là mạng xã hội và các trang thông tin điện tử để làm giá, thổi giá đất, kích động tâm lý đám đông, tạo sóng trên thị trường để trục lợi, đẩy rủi ro về cho người tiêu dùng chân chính.

Cần thông tin chính thống
Theo nhiều chuyên gia BĐS, nguyên nhân của những tranh chấp, bên cạnh những lỗ hổng của luật còn do chưa có kênh thông tin đáng tin cậy để người dân tham khảo khi muốn mua, bán, đầu tư BĐS.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng TP là nơi giao dịch BĐS lớn của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề cung cấp thông tin chưa được quan tâm đúng mức, người dân, doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận thông tin các dự án, dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư cung cấp thông tin không chính xác gây thiệt hại cho người dân.
Để cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, TP cần xây dựng đề án giới thiệu các vấn đề liên quan đến BĐS, như thông tin quy hoạch, pháp lý dự án, tiến độ dự án… Các thông tin này sẽ do các sở ngành liên quan của TP cung cấp chính xác, nhanh chóng, liên tục. Thông qua đó người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng nhất, tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, mua bán nhà đất. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng việc cung cấp thông tin trên thị trường BĐS rất quan trọng, cần nhanh chóng, kịp thời tránh tình trạng nhiều dự án doanh nghiệp thế chấp đã giải chấp nhưng các cơ quan của TP vẫn không cập nhật thông tin kịp thời, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, khó khăn cho người dân khi tiếp cận. Thực tế, thị trường BĐS TPHCM trong thời gian qua thông tin còn nhiều hạn chế, người dân muốn tìm kiếm thông tin liên quan đến dự án còn khó khăn, đặc biệt độ tin cậy chưa cao.
Chính vì vậy đã xảy ra tình trạng một căn hộ bán cho nhiều người, dự án chưa đầy đủ thủ tục nhưng chủ đầu tư vẫn đem bán cho khách hàng… dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS 
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) làm đầu mối, phối hợp với các sở Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông-Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, HoREA, nghiên cứu xúc tiến xây dựng đề án nói trên.
 Cần sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 về việc cưỡng chế phí bảo trì, bàn giao cho ban quản trị thông qua quyết định của tòa án. Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì, tòa án có thể phát mãi tài sản của chủ đầu tư để thu hồi phí bảo trì đó. Ngoài ra, Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 121/2013 về việc quy định xử phạt, chế tài đối với vi phạm của chủ đầu tư, ban quản trị chung cư.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM

Các tin khác